Trong năm 2022, hai Bộ sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030”. Đây là một năm rất quan trọng trong lộ trình 10 năm, với nhiều nội dung mang tính chất tiền đề để thúc đẩy nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.
Một số dự án cụ thể của Đề án đang được Bộ GD&ĐT Việt Nam triển khai cũng được Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề cập. Đó là, hoàn thiện việc biên tập bộ sách dạy tiếng Việt cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 của Lào; hoàn thiện sản phẩm công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam để đưa vào giảng dạy tại các trường học của hai nước. Đồng thời, tiếp tục duy trì giáo viên Việt Nam hỗ trợ dạy tiếng Việt tại các trường phổ thông, các khoa tiếng Việt của các trường đại học và dạy bồi dưỡng tiếng Việt cho các cơ quan, địa phương của Lào…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc, Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong trao quà lưu niệm nhân buổi gặp, làm việc. |
Trao đổi về việc hợp tác giữa hai nước trong giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực cho Lào, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tới việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Trong đó bao gồm các khâu tuyển chọn đầu vào, nâng cao trình độ tiếng Việt và đào tạo chuyên ngành tại các cơ sở giáo dục Việt Nam, để sau quá trình đào tạo các em phát huy được năng lực, đóng góp vào sự phát triển của hai nước.
Lưu ý tới vấn đề đào tạo những ngành thiết thực cho Lào, trong đó có thể tập trung vào một số ngành, lĩnh vực như y dược, nông nghiệp, kỹ thuật, quản lý..., Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định: Bộ GD&ĐT Việt Nam sẵn sàng cùng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào để lựa chọn đào tạo những ngành nghề cần thiết.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Bộ trưởng Phout Simmalavong đã chia sẻ và thống nhất các nội dung cùng phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các dự án trong Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030”. Tinh thần chung là sau 10 năm sẽ hoàn thành tốt các dự án này. Hai bên cũng chia sẻ một số nội dung cùng quan tâm và có thể phối hợp hỗ trợ trong giai đoạn tới, qua đó thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa hai nước.