Thủ tướng: Các bộ ngành, địa phương cần phản ứng chính sách kịp thời hơn

Theo Minh Chiến | 03/04/2023, 10:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sự hồi phục của doanh nghiệp sau COVID-19 còn nhiều khó khăn liên quan tới tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính rườm rà, thị trường bị thu hẹp

TIN MỚI

    Ngày 3-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2023.

    Hội nghị sẽ thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2023, tình hình triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội quý II năm 2023 và thời gian tới; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022.

    Thủ tướng: Các bộ ngành, địa phương cần phản ứng chính sách kịp thời hơn - Ảnh 1.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị ngày 3-4. Ảnh: Nhật Bắc

    Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong quý I/2023, chúng ta đã cơ bản đạt được các mục tiêu lớn khi giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tăng cường, mở rộng đối ngoại và hội nhập.

    Thủ tướng nêu rõ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Liên Hợp Quốc vừa công bố xếp hạng "Chỉ số hạnh phúc toàn cầu" của Việt Nam tăng 12 bậc.

    Bên cạnh các kết quả tích cực, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nêu rõ các khó khăn, thách thức còn nhiều. Theo đó, sự hồi phục của doanh nghiệp sau COVID-19 còn nhiều khó khăn liên quan tới tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính rườm rà, thị trường bị thu hẹp.

    Các thị trường bất động sản, vốn, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ để các thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững. Việc khắc phục các vấn đề liên quan tới cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế cần nỗ lực, quyết liệt hơn nữa. Phản ứng chính sách của các bộ, ngành, địa phương cần kịp thời, hiệu quả hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phục hồi tốt hơn.

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc giải ngân đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn khó khăn. Công tác cải cách hành chính cần được đẩy mạnh hơn và kỷ luật, kỷ cương hành chính cần được tăng cường hơn nữa.

    Trong những tháng đầu năm, Thủ tướng cho biết các bộ ngành, địa phương đã rất nỗ lực để triển khai 3 nhóm công việc lớn, gồm: Các vấn đề tồn đọng, kéo dài cần nhiều thời gian để giải quyết như các dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém; các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều hơn, nặng nề hơn với đòi hỏi ngày càng cao hơn khi quy mô nền kinh tế lớn hơn, dân số đông hơn; xử lý, ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ.

    Trước khi bước vào phần thảo luận, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá khách quan về kết quả, hạn chế, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới; tập trung toàn lực để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

    Theo báo cáo trước đó của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), GDP quý I/2023 ước tăng 3,32% so cùng kỳ năm trước, nếu so 12 năm qua, mức này chỉ cao hơn tốc độ tăng của năm 2020 - thời điểm COVID-19 bùng phát.

    Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% do một số ngành chủ lực bị ảnh hưởng (công nghiệp chế biến chế tạo giảm 0,37%, khai khoáng giảm 5,6%, sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%) trước chi phí đầu vào tăng cao trong khi lượng đơn đặt hàng vẫn sụt mạnh. Điều này làm giảm 4,76% vào mức tăng trưởng chung.

    Theo Tổng cục Thống kê, ngành dịch vụ đang thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

    Bài liên quan
    Sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính lĩnh vực thi, tuyển sinh
    Bộ GD&ĐT công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực thi, tuyển sinh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ GD&ĐT.

    (0) Bình luận
    Nổi bật Giáo dục thủ đô
    Đừng bỏ lỡ
    Mới nhất
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
    Thủ tướng: Các bộ ngành, địa phương cần phản ứng chính sách kịp thời hơn