Khi tiến hành kiểm tra, đánh giá thường xuyên bằng hình thức đóng vai, cô Nguyễn Thị Ngân Hà lưu ý các bước chuẩn bị như sau:
Đối với giáo viên: Căn cứ vào nội dung, mục tiêu cụ thể của bài học, nêu ra nhiệm vụ chuẩn bị bài mới (lựa chọn nhân vật để tiến hành đóng vai). Giáo viên chia nhóm và giao nhiệm vụ cụ thể; đưa ra các tiêu chí (diễn xuất, đạo cụ, thời gian…); quy định cụ thể thời gian đóng vai cho học sinh để không làm ảnh hưởng đến tiến trình bài học.
Giáo viên đồng thời cung cấp thông tin về nhân vật sẽ đóng nguồn thông tin về nhân vật lịch sử có thể từ: kênh chữ, kênh hình trong sách giáo khoa, sách tham khảo, thông tin trên Internet, thông tin từ địa phương… Trước khi học sinh thực hiện trước lớp giáo viên là người chỉ dẫn, sửa kịch bản, tổng duyệt.
Đối với học sinh: Các nhóm, cá nhân nhận nhiệm vụ, xây dựng kịch bản, phân công vai diễn và thảo luận, thông qua kịch bản với giáo viên; thực hiện đóng vai theo kịch bản đã xây dựng.
Tiếp theo là nhận xét, đánh giá, cho điểm. Về phía học sinh: Cá nhân, đại diện nhóm tự nhận xét đánh giá; các nhóm còn lại dựa vào các tiêu chí giáo viên đưa ra để nhận xét, bổ sung đặt câu hỏi, phản biện tranh luận.
Giáo viên nhận xét, tổng kết, đánh giá, căn cứ vào bảng tiêu chí đánh giá và cho điểm kết hợp tham khảo đánh giá học sinh để đảm bảo tính công bằng, khách quan.
Giáo viên có thể kiểm tra, đánh giá thường xuyên bằng các hình thức đóng vai khác nhau, như đóng vai nhân vật lịch sử, đóng vai nhân vật tưởng tượng, đóng vai nhân vật tình huống.
Quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên bằng hình thức đóng vai được tiến hành ở hoạt động khởi động, hoạt động hình thành kiến thức mới, hoạt động vận dụng, hoạt động tìm tòi mở rộng.
Ví dụ:Khi dạy bài 12 (Lịch sử 10 – Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), bài “Văn minh Đại Việt”, giáo viên cho học sinh sử dụng phương pháp đóng vai làm hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về Hoàng Thành Thăng Long.