'Thư viện số' kích thích văn hóa đọc

Hoàng Vinh | 19/08/2022, 06:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, sau đó quét mã QR Code, người dân có thể lựa chọn những cuốn sách mà mình ưa thích để đọc. Đây là những đầu sách trong mô hình “Thư viện số - Đọc sách thông minh” do Đoàn Thanh niên phường An Khê (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) thiết kế.

Những ngày hè thú vị

Tranh thủ những ngày cuối kỳ nghỉ hè, một nhóm trẻ em tập trung về khu sinh hoạt cộng đồng của tổ dân phố Tân An, phường An Khê. Tại đây, với chiếc máy tính bảng, điện thoại thông minh, sau khi quét mã QR Code các em bắt đầu lựa chọn cho mình những cuốn sách ưa thích để đọc.

Anh Phan Trần Hải Giang - Bí thư Đoàn phường An Khê - cho biết, ý tưởng về “thư viện số” được Đoàn phường An Khê triển khai từ những ngày đầu tháng 7/2022. Theo anh Giang, để triển khai xây dựng “thư viện ảo”, Đoàn phường thành lập một nhóm gồm 5 - 6 bạn có chuyên môn về công nghệ thông tin và thiết kế website.

Ngay sau đó, các bạn đoàn viên thanh niên đã nỗ lực rất nhiều, với hy vọng sớm “trình làng” phiên bản thư viện số để phục vụ người dân và các em học sinh.

Sau 1 tuần triển khai, thư viện số phiên bản đầu tiên chính thức ra mắt. Các đoàn viên thanh niên trên địa bàn được trải nghiệm, chia sẻ và sau đó có những đóng góp ý kiến về những lỗi, sự bất hợp lý để nhóm thiết kế tiếp tục sửa và nâng cấp để thư viện số hoàn chỉnh hơn.

'Thư viện số' kích thích văn hóa đọc ảnh 1

Mô hình thư viện số mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

“Đến ngày 10/7, sau thời gian chỉnh sửa, “thư viện số” đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Đoàn phường chính thức triển khai dán bảng mã QR thư viện số tại 15/15 nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân trong các khu dân cư”, anh Hải Giang cho biết.

Đến nay, thư viện số của Đoàn phường An Khê có hơn 300 đầu sách với đa dạng lĩnh vực như lịch sử, sách viết về Bác Hồ, chuyển đổi số và công nghệ thông tin, văn học Việt Nam, địa lý, văn hóa nghệ thuật, cổ tích thần thoại, y học, thể thao…

Từ khi triển khai, thư viện đã có hàng nghìn lượt truy cập đọc sách. Đoàn phường đang liên hệ với các trang web lớn về ebook, sách miễn phí để liên kết, làm phong phú thêm nguồn sách phục vụ độc giả.

Ngoài địa điểm là các nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư, Đoàn phường đang tiếp tục liên hệ với các quán cà phê ưa thích của giới trẻ trên địa bàn để bố trí mã QR giới thiệu “thư viện ảo”.

Có thư viện số, những buổi sinh hoạt hè lúc này của các em học sinh tại nhà sinh hoạt cộng đồng trở nên thú vị hơn trước. Em Nguyễn Lê Trúc Quỳnh - Phó Bí thư Đoàn khu dân cư số 3 Tân An (phường An Khê) - cho biết, không còn lo lắng với những buổi sinh hoạt hè, các bạn cầm điện thoại chỉ để chơi game, những buổi sinh hoạt hè hiện nay trở nên ý nghĩa hơn khi các bạn có câu chuyện, sách để trao đổi, chia sẻ cùng nhau. Chỉ cần quét mã QR, bất cứ ai cũng có thể lựa chọn và đọc đầu sách ưa thích trên “thư viện ảo” này.

'Thư viện số' kích thích văn hóa đọc ảnh 2

Ứng dụng Thư viện số - Đọc sách thông minh của Đoàn phường An Khê. Ảnh chụp màn hình

Lan tỏa văn hóa đọc đến với mọi người

Cà phê 1997 là quán thứ 6 trên địa bàn phường An Khê đồng ý tiếp nhận và hỗ trợ triển khai mô hình “Thư viện số - Đọc sách thông minh”. Tại đây, sau khi trò chuyện với chủ quán và được hướng dẫn vị trí dán mã QR, các bạn trẻ căn chỉnh rồi dùng băng keo chuyên dụng cố định tấm bảng lên tường.

Sau đó, các bạn đoàn viên thanh niên hướng dẫn mọi người quét mã, truy cập “thư viện số” và lựa chọn sách theo sở thích.

Thấy tấm bảng to với màu sắc nổi bật và dòng chữ “thư viện số”, nhiều vị khách trong quán cũng tò mò. Các bạn đoàn viên nhanh chóng hướng dẫn mọi người quét mã, truy cập thư viện ảo và chọn sách để đọc.

Trực tiếp trải nghiệm thư viện số, anh Lê Thế Vinh, chủ quán cà phê 1997, cho biết, ban đầu, khi nghe Đoàn Thanh niên phường An Khê chia sẻ về mô hình và xin phép treo mã QR thư viện số ở quán, tôi đồng ý hỗ trợ ngay nhưng vẫn chưa hình dung được thế nào là “thư viện số”.

“Đến khi truy cập trực tiếp mới thấy các đầu sách trong thư viện đa dạng, phù hợp nhiều lứa tuổi. Đây là một sáng kiến hay, người dân có thể tranh thủ đọc sách ở quán cà phê, không gian công cộng”, anh Vinh chia sẻ.

Anh Phan Trần Hải Giang - Bí thư Đoàn phường An Khê - cho hay, việc sử dụng điện thoại thông minh đã phổ biến, nên Đoàn phường mong muốn mô hình này sẽ kích thích sự tò mò để các bạn trẻ, đặc biệt là các em học sinh cũng như người dân thử quét và tìm đọc sách trên thư viện ảo. Mọi người có thể chụp ảnh để lưu lại thư viện, những lúc rảnh rỗi có thể lấy ra để tìm đọc.

Anh Võ Duy Rin – Bí thư Quận đoàn Thanh Khê (TP Đà Nẵng) - cho biết, mô hình “Thư viện số” đang được Đoàn phường An Khê triển khai rất hiệu quả, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong bạn trẻ. Quận đoàn sẽ nhân rộng mô hình này đến các đơn vị khác trên địa bàn để cùng thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Thư viện số' kích thích văn hóa đọc