Thừa Thiên – Huế tích cực xóa mù chữ cho người dân

14/12/2023, 08:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tích cực thực hiện công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ cho người dân và đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Phổ cập giáo dục 3 cấp đạt tỷ lệ cao

Việc phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi tỉnh Thừa Thiên – Huế thời điểm hiện tại đã đạt chuẩn với 141/141 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn. Các chỉ số đều ở mức gần tối đa như tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường 99,81%; trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non 99,18%; tổng số trẻ 3-5 tuổi là 57.429, ra lớp 50.284 em đạt tỷ lệ 87,57%.

PCGD tiểu học đạt tỷ lệ 97,09% với tổng số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học là 18.549/19.105 em. Ở khối này có 1.234 trẻ khuyết tật, trong đó có 913 em có khả năng học tập, 905 em được tiếp cận giáo dục chiếm tỷ lệ 99,12%.

Ở khối THCS, việc phổ cập cho tổng số thanh, thiếu niên từ 15-18 tuổi phải phổ cập là 64.370 người, trong đó tốt nghiệp THCS là 61.832 người chiếm tỷ lệ 96,06%. Riêng số thanh, thiếu niên độ tuổi 11-18 tuổi bỏ học (cả 3 cấp) chỉ chiếm tỷ lệ 4,67% (6.125/131.160 người).

Về THPT, công tác PCGD đạt được nhiều con số đáng khích lệ. Cụ thể, số học sinh THCS vào học lớp 10 THPT, GDTX, TCCN, Trường dạy nghề là 15.466/16.243 chiếm tỷ lệ 94,22%; tổng số thanh, thiếu niên từ 18-21 tuổi có bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, TCCN tỷ lệ 82,65% (53.495/64.722 người).

Tích cực xóa mù chữ

Hiện tỉnh Thừa Thiên – Huế đang đạt chuẩn xóa mù chữ (XMC) mức độ 2. Tính theo tổng số dân độ tuổi từ 15-60 biết chữ là 815.718 người, tỷ lệ 98,49%; số người mù chữ mức độ 1 là 12.536 người (1,51%) và số người mù chữ mức độ 2 là 29.871 người (3,61%).

Hiện toàn tỉnh có số lớp XMC là 66 lớp với 618 học viên. Các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lớp XMC được sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục, trung tâm học tập cộng đồng, cơ quan đoàn thể.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tập trung bố trí nguồn ngân sách tỉnh, nguồn vốn từ các chương trình, kết hợp lồng ghép các nguồn vốn kiên cố hóa trường học, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, nguồn vốn ODA, nguồn viện trợ phi Chính phủ, nguồn trái phiếu chính phủ, nguồn chống bão lụt, nguồn xã hội hóa… để đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng, trang cấp thiết bị dạy học, hỗ trợ người dạy và người học, góp phần nâng cao chất lượng PCGD-XMC.

Đặc biệt, tỉnh bảo đảm huy động đủ người tham gia dạy học XMC tại địa bàn là giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục khác, người đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định. Bên cạnh đó, có bố trí người theo dõi công tác XMC tại địa bàn được phân công.

Khai giảng lớp xóa mù chữ tại xã Phú Diên, huyện Phú Vang.
Khai giảng lớp xóa mù chữ tại xã Phú Diên, huyện Phú Vang.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thành lập Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục – xóa mù chữ (PCGD-XMC), thường xuyên chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể và các cơ quan ban ngành cấp tỉnh và địa phương cùng làm công tác PCGD-XMC.

Hệ thống trường lớp từ mầm non đến phổ thông, cao đẳng, đại học phát triển đã hỗ trợ tốt cho công tác này. Chính quyền các cấp, Bộ đội Biên phòng đến các đoàn thể, các tộc trưởng, thôn trưởng, bản trưởng đều tham gia tích cực để làm tốt công tác huy động trẻ em đến trường đúng độ tuổi.

Các phần mềm tin học được phổ biến nên việc quản lý phổ cập ngày càng khoa học hơn, ứng dụng có hiệu quả hệ thống quản lý số liệu, cập nhật và quản lý dữ liệu từ 0 đến 60 tuổi, đảm bảo sự liên thông số liệu giữa các cấp học.

Ngoài ra, các chương trình xây dựng nông thôn mới và xã bãi ngang ven biển đã thúc đẩy việc nâng cao chất lượng PCGD-XMC. Nhiều năm qua, tỉnh đã kiểm tra, phúc tra kết quả đạt chuẩn PCGD-XMC ở các đơn vị, tạo nên cơ sở vững chắc, làm tiền đề tốt để thực hiện hiệu quả công tác này.

Các nhiệm vụ trọng tâm

Tuy có nhiều mặt tích cực, nhưng ở Thừa Thiên – Huế vẫn còn một số hạn chế như địa hình tỉnh trải dài, một số địa bàn chia cắt là những khó khăn lớn trong công tác vận động, giảng dạy của cán bộ giáo viên, huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số; một số vùng tái định cư chưa ổn định về đời sống nên việc huy động trẻ vào nhà trường cũng gặp phải không ít khó khăn.

Cơ sở vật chất và điều kiện dạy học của giáo viên một số trường học chưa đáp ứng với yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn nghèo, nhất là bà con dân tộc thiểu số, vùng tái định cư nên công tác này còn gặp nhiều trở ngại.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhiệm vụ trọng tâm sắp tới, tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình, có giải pháp thích hợp để duy trì và nâng cao chất lượng PCGD-XMC, tập trung chỉ đạo các xã có tỷ lệ đạt chuẩn PCGD-XMC còn thấp.

Song song sẽ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động trong các cơ sở giáo dục.

Và tập trung chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tăng cường các điều kiện cho các nhà trường; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành phục vụ tốt nhất công tác quản lý, điều hành cũng như tổ chức dạy học.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế kiến nghị Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ triển khai công tác PCGD mầm non cho trẻ 3-4 tuổi để làm nền tảng cho PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi; miễn, giảm học phí cho trẻ em 5 tuổi để huy động trẻ 5 tuổi ra lớp thuận lợi hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thừa Thiên – Huế tích cực xóa mù chữ cho người dân