Chùa Bút Tháp thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) từ lâu nổi tiếng bởi những nét chạm trổ độc đáo về nghệ thuật kiến trúc đặc sắc dưới thời Lê – Nguyễn và là điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tháp Báo Nghiêm giống như cây bút khổng lồ, có 5 tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh, xung quanh tháp được trang trí hoa văn sinh động và độc đáo. Tầng dưới cùng của tháp có 13 bức chạm đá, chủ yếu là hình các con thú. Tháp là sự kết hợp điêu luyện của tài nghệ ghép đá với nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của những nghệ nhân xưa.
Điểm nhấn nữa ở chùa Bút Tháp là cây Cửu Phẩm liên hoa, một tác phẩm được chạm khắc tinh xảo vừa độc, vừa lạ. Tòa có hình tháp bát giác, cao 7,8m xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen được đặt ở chính giữa lòng nhà tòa Tích thiện am, thể hiện 9 kiếp tu của đức Thích Ca Mâu Ni.
Chùa Dâu còn có các tên là chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự. Chùa Dâu tọa lạc tại xã Thanh Khương (Thuận Thành). Chùa Dâu là công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị lịch sử về văn hóa hết sức lớn lao và sâu sắc, bao gồm giá trị lịch sử văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng và kiến trúc nghệ thuật.
Tượng Pháp Vân được thờ trong nhà Thượng điện. Đây là một trong 4 pho tượng trong hệ thống tượng Tứ pháp vùng Dâu - Luy Lâu được công nhận là Bảo vật quốc gia. Tượng Pháp Vân uy nghi, trầm mặc, màu đồng hun, cao gần 2m. Tượng có gương mặt đẹp với nốt ruồi to đậm giữa trán gợi liên tưởng tới những nàng vũ nữ Ấn Độ, tới quê hương Tây Trúc.
Thuận Thành còn có Khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương. Ngày 18 tháng Giêng hàng năm, người dân làng Á Lữ cùng với nhân dân xung quanh lại tổ chức lễ hội Kinh Dương Vương nhằm tưởng nhớ đến vị vua đầu tiên của nước Việt.
Lễ hội Kinh Dương Vương với các hoạt động phần lễ gồm các nghi thức tế lễ truyền thống tại Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương; phần hội tổ chức các sân khấu hát tuồng, hát quan họ, biểu diễn múa rồi nước, hát trống quân, hát chèo, ca trù, các trò chơi dân gian…
Dự án cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành với chiều dài hơn 1,5km, tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng sẽ là điểm giao thông huyết mạch để kết nối, phát triển kinh tế- xã hội, du lịch tâm lịch của Thuận Thành với các địa phương.
Sau khi hoàn thành và đi vào khai thác, cầu Phật tích – Đại Đồng Thành được kỳ vọng sẽ góp phần hình thành mạng lưới giao thông khép kín giữa khu vực Bắc Đuống và Nam Đuống, kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và phụ cần như: TP Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương qua Quốc lộ , Quốc lộ 38, Quốc lộ 5, Quốc lộ 17…, đồng thời tạo cơ sở hạ tầng để tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương./.