Đi lại ngân hàng nhiều ngày liền, chụp cả chục tấm ảnh để xác nhận sinh trắc học vẫn không được, đăng ký thành công nhưng chẳng thể chuyển tiền, có người bị hệ thống từ chối xác thực vì khuôn mặt phẫu thuật thẩm mỹ khác căn cước công dân...
Bi hài xác thực sinh trắc học
Hai hôm nay, vợ chồng chị Thanh Xuân (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) thức đến tận nửa đêm để chờ đăng ký xác nhận sinh trắc học qua app ngân hàng.
“Ban ngày hai vợ chồng đều đi làm, khi tan ca thì ngân hàng cũng đóng cửa ngưng nhận khách. Vì vậy, chỉ có thể tự đăng ký xác nhận khuôn mặt qua app ngân hàng để chuyển tiền. Chúng tôi canh nửa đêm vì lúc này ít người vào mạng, app đỡ nghẽn sẽ dễ đăng ký hơn. Thế nhưng hai đêm liền chưa lần nào thành công” - chị Xuân thở dài nói.
Theo hướng dẫn, chị Xuân xác thực thông tin bằng điện thoại qua 3 bước: Chụp ảnh mặt trước và sau của căn cước công dân (CCCD) gắn chip; quét chip trên CCCD bằng NFC điện thoại; quét khuôn mặt và xác thực.
“Sau hàng chục lần làm đi làm lại, tôi thực hiện thành công các bước, nhưng tới lúc quét khuôn mặt thì hệ thống không chấp nhận và yêu cầu ra ngân hàng để xác thực” - chị Xuân nói thêm.
Nhiều người lớn tuổi không rành công nghệ đến ngân hàng nhờ hỗ trợ.
Một trường hợp bi hài khác là Kim Mỹ (ngụ TP.Thủ Đức). Do là mặt của chị Mỹ có khác so với hình trên CCCD gắn chip đã làm từ năm ngoái. Hôm qua (2/7) khi thực hiện xác thực khuôn mặt, hệ thống không nhận diện vì chị mới cắt mắt 2 mí và tiêm má baby nên mặt đầy đặn hơn trong CCCD.
“Từ giờ không được “già” đi, cũng không được phẫu thuật thẩm mỹ bởi chỉ cần có một sự thay đổi trên khuôn mặt thì coi nhưng… khỏi chuyển tiền” - chị Mỹ nói vui.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, một trong những trở ngại quan trọng nhất là hiện có rất nhiều điện thoại thông minh trên thị trường, chủ yếu từ tầm trung trở xuống không hỗ trợ NFC (công nghệ kết nối không dây tầm ngắn). Trong trường hợp không thể quét dữ liệu từ CCCD, chủ tài khoản chỉ có một giải pháp là phải trực tiếp đến quầy giao dịch của ngân hàng để được quét dữ liệu (chỉ cần thực hiện một lần).
Ghi nhận trong ngày 3/7, tại nhiều điểm giao dịch ngân hàng ở TPHCM như Sacombank, Vietinbank… vẫn còn nhiều người đến đăng ký xác nhận sinh trắc học, trong đó đa phần là người lớn tuổi.
“Tôi không tự làm được tại nhà nên đến ngân hàng nhờ nhân viên hỗ trợ. Tuy app đã trơn tru hơn những ngày đầu tiên nhưng cũng phải làm vài lần mới thành công. Có công cụ xác nhận khuôn mặt mới chuyển được số tiền lớn, tôi cảm thấy yên tâm rất nhiều” - bà Lê Hồng Trang (62 tuổi, ngụ quận 10) cho biết.
Vì sao nên nỗi?
Ngày 3/7, chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - cho biết, sau hai ngày chính thức thực hiện xác thực sinh trắc học, mặc dù các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quy trình nội bộ, công tác tư vấn, hướng dẫn khách hàng tới công tác thông tin truyền thông nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
“Trên thực tế đã phát sinh những tình huống như khách hàng chưa có CCCD gắn chip; điện thoại không có chức năng NFC; nghẽn mạng hoặc hệ thống không nhận diện được khách hàng… Tất cả những điều này gây tâm lý khó chịu nhất định thường gặp từ phía khách hàng khi thực hiện một hoạt động nào có tính chất mới” - ông Lệnh cho biết.
NHNN chi nhánh TPHCM yêu cầu các tổ chức tăng cường hỗ trợ khách hàng đăng ký xác thực sinh trắc học.
"Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM yêu cầu các tổ chức tín dụng phải làm tốt hơn nữa công tác hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là việc chăm sóc và xử lý kịp thời khó khăn vướng mắc phát sinh. Các tổ chức tín dụng tổ chức hoạt động tư vấn chăm sóc và thông tin khách hàng, giải đáp qua trung tâm dịch vụ khách hàng 24/7.
Trong những ngày đầu thực hiện, những khó khăn, những trục trặc phát sinh, đã và sẽ được các tổ chức tín dụng theo dõi, xử lý và hỗ trợ kịp thời khách hàng; tập hợp tình huống để chủ động xử lý; tổ chức và phân luồng xử lý" - ông Lệnh nhấn mạnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ giao dịch trên 10 triệu đồng trong 3 ngày gần đây dao động quanh 6-8%. Theo cơ quan quản lý, việc bắt buộc cập nhật sinh trắc học nhằm ngăn chặn thiệt hại cho chủ tài khoản khi kẻ gian rút tiền nhiều lần với số lượng lớn. Mục đích của các quy định này là đảm bảo đúng là chính chủ đang thực hiện chuyển tiền, qua đó góp phần đảm bảo an toàn cho chủ tài khoản.
Hiện Agribank, Vietcombank, Sacombank, ACB… đều thông báo, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi thao tác thực hiện thu thập sinh trắc học trên các ứng dụng ngân hàng, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ khách hàng để "hỗ trợ" cài đặt sinh trắc học và thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.
Các ngân hàng khuyến cáo, khách hàng chỉ cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên ứng dụng của ngân hàng mở tài khoản thanh toán. Không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ website hay ứng dụng nào khác. Các ngân hàng tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ… qua điện thoại hoặc đường link. Trường hợp khách gặp khó khăn trong quá trình thu thập sinh trắc học có thể liên hệ tổng đài hoặc đến trực tiếp điểm giao dịch của ngân hàng nơi gần nhất để được hỗ trợ.