Tại hội thảo "Thúc đẩy chuyển đổi sốkhu vực trung du, miền núi phía bắc" do Báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái và Tập đoàn VNPT tổ chức ngày 9/6, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết so với năm 2020, giá trị chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) cấp bộ trên cả nước cung cấp dịch vụ công tăng khoảng 15,4%; giá trị DTI 2021 cấp tỉnh có mức tăng đáng kể nhất, khoảng 32,7%; 12/89 bộ, ngành (6 bộ và 6 tỉnh) có giá trị DTI 2021 đạt từ 0,5 trở lên, chiếm 13,48%.
Ba trụ cột DTI 2021 cấp tỉnh đều tăng. Trong đó, chỉ số chính quyền số tăng 19,6%; chỉ số kinh tế số tăng 59,6%; chỉ số xã hội số tăng 37,6%.
Đặc biệt, năm 2020-2021, giá trị trung bình DTI của khu vực trung du và miền núi phía bắc cao hơn trung bình DTI cả nước. DTI của khu vực Trung du và miền núi phía bắc năm 2020 cao hơn giá trị trung bình cả nước là 0,016 và năm 2021 là 0,0069.
Giá trị 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số năm 2021 của khu vực Trung du và miền núi phía bắc đều tăng so với năm 2020. Trong đó, chính quyền số tăng 0,0586; kinh tế số tăng 0,1574 và xã hội số tăng 0,1107, trong đó kinh tế số tăng cao nhất.
Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tậpbáo Tiền Phong, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mở ra những khả năng vô cùng to lớn cho loài người trong tổ chức sản xuất và phát triển xã hội.
Nước ta cũng vậy, chuyển đổi sốđược coi là chiến lược đột phá nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 và xa hơn nữa. Những năm qua, chuyển đổi số đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh đầu tư.
Thời gian qua, nhiều tỉnh trung du, miền núi phía bắc quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi sốtrên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Chuyển đổi số đã bước đầu len lỏi vào từng bản làng, thôn xóm, không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội mà còn góp phần nâng cao đời sống của người dân, thu hẹp khoảng cách giữa vùng núi với đồng bằng, khu vực nông thôn và thành thị.
Nhiều tỉnh trong khu vực đã đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh DTI năm 2021 như: Lạng Sơn (thứ 5), Thái Nguyên (thứ 8), Bắc Giang (thứ 10), Phú Thọ (18)... Từ thực tiễn cho thấy, chuyển đổi số đang thực sự trở thành một lực đẩy quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội, văn hóa của vùng.
Là địa phương đã triển khai thí điểm và nhân rộng 7 mô hình chuyển đổi số, tại hội thảo, ông Nguyễn Thúc Mạnh, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Yên Bái đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong triển khai các mô hình thí điểm chuyển đổi số tại tỉnh.
Trước tiên, tỉnh xác định thống nhất quan điểm, chuyển đổi số là cơ hội để một tỉnh nghèo như Yên Bái dù "đi sau", nhưng có thể "đuổi kịp, tiến cùng và rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác.
Sau đó, khi triển khai sẽ thực hiện theo mô hình từ trên xuống và từ dưới lên. Cụ thể, cách làm từ trên xuống, bắt đầu từ xây dựng thể chế (các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, HĐND tỉnh, chương trình hành động của tỉnh, huyện, xã; sau đó tổ chức họp triển khai, đánh giá, rút kinh nghiệm ở các cấp độ và xây dựng, củng cố hạ tầng, các nền tảng cơ bản.
Mô hình từ dưới lên được thể hện qua các mô hình chuyển đổi số thực hiện theo nguyên tắc "3 được", gồm: Nhìn được (biến việc chuyển đổi số thành việc có mục tiêu cụ thể, rõ ràng); sờ thấy được (hiểu cách làm, rõ nguồn lực cần thiết) và nắm bắt được (đánh giá được kết quả đầu ra dựa trên số liệu).
Các mô hình chuyển đổi về cơ bản được triển khai theo cách đánh giá thực tiễn; xây dựng mô hình chuyển đổi số ở phạm vi, quy mô phù hợp; tổ chức thí điểm triển khai mô hình; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và mở rộng mô hình.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đã trao đổi, chia sẻ những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong chuyển đổi số của khu vực, đồng thời làm cầu nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ giải pháp chuyển đổi số với chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương, từ đó thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong khu vực.