Giáo dục

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ

15/09/2024 19:32

Theo các chuyên gia, nếu tài sản trí tuệ không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì khó chuyển giao công nghệ trên diện rộng và thu được lợi nhuận.

Do đó, cần xác lập quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.

Cần hiểu thấu đáo

Thời gian qua, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học có nhiều khởi sắc. Điểm nhấn là số lượng công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín thuộc danh mục WoS ngày càng tăng.

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thị Tâm - Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Đối ngoại (Trường ĐH Mở Hà Nội) cho rằng, số lượng văn bằng sở hữu trí tuệ và hợp đồng chuyển giao công nghệ còn ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đặt ra yêu cầu góp sức, chung tay của các nhà khoa học nói riêng và cơ sở giáo dục đại học nói chung.

“Để tạo ra giá trị gia tăng từ kết quả nghiên cứu khoa học buộc các trường đại học phải chủ động “bắt tay” với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ. Ở đây, đặt ra vấn đề xác lập quyền sở hữu đối với các tài sản được chuyển giao”,

PGS.TS Phạm Thị Tâm trao đổi và cho rằng, trong cơ sở giáo dục đại học, không chỉ có kết quả được hình thành từ hoạt động nghiên cứu khoa học cần xác lập quyền sở hữu trí tuệ, mà hoạt động đào tạo cũng hình thành, phát sinh đa dạng các loại tài sản trí tuệ. Từ đây, đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến xác lập quyền cũng như đảm bảo, thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

PGS.TS Phạm Thị Tâm đặt vấn đề, việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu giảng dạy (bao gồm giáo trình, bài giảng, học liệu điện tử, tài nguyên giáo dục mở…) trong các cơ sở giáo dục đại học sẽ thực hiện thế nào để đảm bảo quyền tác giả trong quá trình khai thác, sử dụng. Ngoài ra, việc lựa chọn sử dụng các nguồn tài liệu thuộc sở hữu từ các chủ thể khác để phục vụ các chương trình đào tạo, đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng cần hiểu một cách thấu đáo.

Theo PGS.TS Phạm Thị Tâm, đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học hình thành từ các đề tài do Nhà nước cấp ngân sách thì làm thế nào để được chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, phục vụ đời sống? Điều này có liên quan đến quyền sở hữu đối với tài sản hình thành từ ngân sách.

thuc day chuyen giao cong nghe (1).jpg
Nghiên cứu khoa học tại phòng Lab của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Gợi mở giải pháp, thúc đẩy chuyển giao

Cho rằng, khoa học và công nghệ là thước đo của sự phát triển, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu khoa học là sáng tạo tri thức, góp phần vào kho tàng văn minh nhân loại, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đối với cơ sở giáo dục đại học, hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ được đánh giá chủ yếu thông qua tài sản trí tuệ như: Công trình công bố, tác phẩm nghệ thuật, phát minh sáng chế, giải pháp, công nghệ được chuyển giao.

Cùng với xu thế toàn cầu hóa trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là cạnh tranh thương mại đòi hỏi mỗi chúng ta phải bảo vệ quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ của mình; đồng thời, thực thi quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ của các chủ thể khác, tránh vi phạm dù do yếu tố chủ quan hay khách quan.

“Trong hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, các vấn đề liên quan đến đảm bảo, thực thi quyền sở hữu trí tuệ như: Khai thác, chia sẻ, sử dụng tài liệu giảng dạy, tài liệu học tập giữa các cơ sở giáo dục đại học, hoặc chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học từ nguồn ngân sách Nhà nước… là những vấn đề cần được làm sáng tỏ”, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung đặt vấn đề.

PGS.TS Phan Quốc Nguyên - Trường ĐH Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, quản trị và khai thác tài sản trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học là hoạt động cần thiết. Qua đó, hỗ trợ các đơn vị thúc đẩy đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ khai thác thương mại hóa kết quả nghiên cứu; đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phan Quốc Nguyên, việc giảng dạy sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục đại học chưa được chú trọng. Chẳng hạn như việc giảng dạy chưa có hệ thống, nội dung và mức độ chưa được chuẩn hóa… Hiện, không nhiều trường đại học đưa môn học sở hữu trí tuệ vào giảng dạy. Nếu có mới dừng lại ở mức như một chuyên đề hoặc môn học tự chọn.

Ngoài ra, nhiều cơ sở cũng chưa có bộ phận chuyên trách quản trị và khai thác tài sản trí tuệ. Số lượng đơn đăng ký còn ít, việc khai thác thông tin sở hữu trí tuệ yếu, không tạo được niềm tin cho các nhà khoa học cũng như không bảo đảm được quyền lợi cho chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ. Vô hình trung, tạo ra sự chán nản, hạn chế đổi mới sáng tạo, say mê trong nghiên cứu.

Nhấn mạnh, chuyển giao công nghệ là quá trình chuyển đổi các phát minh, sáng chế, kết quả nghiên cứu từ môi trường học thuật (trường đại học) sang môi trường sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp), ông Nguyễn Văn Trúc - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ (Hà Nội) đề xuất các giải pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hóa. Theo đó, cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp. Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về tài chính, thuế để khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng của chuyển giao công nghệ cho cả nhà khoa học và doanh nghiệp. Cùng với đó, thành lập các trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ để cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý, tài chính. Mặt khác, tổ chức các hội thảo, diễn đàn để kết nối hai bên. Các nhà khoa học cần có kế hoạch tham dự triển lãm khoa học công nghệ, thường xuyên tham gia làm việc và nghiên cứu tại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Trúc gợi mở, cần có quy định rõ ràng, minh bạch về sở hữu trí tuệ, hợp đồng chuyển giao công nghệ. Đồng thời, đào tạo các nhà khoa học về kỹ năng kinh doanh, thương mại hóa. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng ngân sách đầu tư cho hoạt động nghiên cứu cơ bản và ứng dụng.

Theo ông Nguyễn Văn Trúc, thương mại hóa kết quả nghiên cứu là quá trình chuyển đổi những phát minh, sáng chế, kiến thức thu được từ hoạt động nghiên cứu khoa học thành các sản phẩm, dịch vụ, quy trình có giá trị thương mại trên thị trường. Nói cách khác, đó là việc biến những ý tưởng trong phòng thí nghiệm thành sản phẩm hữu ích, tạo ra lợi nhuận và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thúc đẩy chuyển giao công nghệ