Không để học sinh tự “bơi”
Thay vì 13 môn học cố định như trước, chương trình mới lớp 10 có 7 môn học bắt buộc và cho phép học sinh quyết định 5/9 môn tự chọn (thiếu môn nghệ thuật), tùy theo năng khiếu, sở thích. Trước đổi mới này, nhiều người lo ngại sẽ xảy ra tình trạng môn thì quá tải, nhưng có môn không đủ số lượng học sinh đăng ký học.
Cho rằng đây là thực tế, thầy Huynh lấy dẫn chứng ngay tại Trường THPT huyện Tủa Chùa. Qua thống kê số lượng học sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây, xu hướng các môn xã hội luôn áp đảo bộ môn tự nhiên. Tuy nhiên, thầy Huynh cũng nhận định, kết quả đăng ký phụ thuộc rất lớn vào công tác tư vấn, định hướng của giáo viên và các nhà trường.
“Theo lý thuyết, việc lựa chọn tổ hợp 5/9 môn học sẽ có 108 cách chọn khác nhau, tương đương 108 tổ hợp môn. Nếu để học sinh toàn quyền lựa chọn, nhà trường, giáo viên khó có thể chạy theo đáp ứng nhu cầu của các em. Bởi vậy, chương trình mới cho phép các trường xây dựng tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn và chuyên đề để vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa phù hợp với điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường”, thầy Huynh cho hay.
Chỉ tiêu tuyển sinh năm tới tại Trường THPT huyện Tủa Chùa là 7 lớp 10, với 280 học sinh. Công tác tư vấn tuyển sinh được nhà trường triển khai tại một số cơ sở. Thời gian tới, trường tiếp tục tăng cường, phấn đấu hoàn thành trước khi tổ chức xét tốt nghiệp THCS.
“Chúng tôi không để học sinh tự bơi mà sẽ sát cánh cùng các em. Thông qua hoạt động truyền thông để giới thiệu đến học sinh và phụ huynh những điều kiện hiện có của nhà trường. Từ đó tư vấn, định hướng giúp các em có lựa chọn tổ hợp môn phù hợp. Như vậy, các em sẽ có điều kiện học tập đầy đủ nhất, tốt nhất”, thầy Huynh chia sẻ.
Tương tự, trên cơ sở khảo sát nguyện vọng học sinh và điều kiện trường lớp, Trường THPT TP Điện Biên Phủ đã và đang tập trung xây dựng dự kiến 8 tổ hợp môn lựa chọn, chuyên đề học tập. Cụ thể như: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Tin; Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin; Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Tin; Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Công nghệ; Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Hóa học, Công nghệ...
“Những năm trước, học sinh của trường thường thiên về đăng ký học tổ hợp các môn khoa học xã hội với khoảng 60%. 40% còn lại là các môn khoa học tự nhiên. Việc nhà trường xây dựng các tổ hợp môn như trên là dựa vào thực tế khảo sát này. Chúng tôi coi đây như một “thực đơn” để học sinh tìm hiểu, xin tư vấn và đưa ra lựa chọn phù hợp”, thầy Cường cho hay.