Thực hiện dân chủ trong trường học: Điều kiện tiên quyết tạo đồng thuận

29/11/2023, 14:19
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngành Giáo dục Sơn La đang nỗ lực xây dựng môi trường làm việc dân chủ.

Trong đó, trước tiên là minh bạch về tài chính để tạo sự đồng thuận cao từ phía gia đình, nhà trường và xã hội.

Không để “trên nói, dưới gật”...

Dân chủ trong nhà trường là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Song, trên thực tế tại một số nơi, việc thực hiện còn hình thức. Thực tế từng xuất hiện cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo, tình trạng khiếu nại vượt cấp, phụ huynh chưa rõ và không nắm được các khoản thu chi đầu năm học gây bức xúc dư luận.

Hướng tới nền giáo dục dân chủ, hàng năm Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đã chỉ đạo phòng GD&ĐT 12 huyện/thành phố tiến hành họp, tuyên truyền tới toàn ngành, phụ huynh về các chương trình phối hợp. Điển hình như công tác xã hội hóa giáo dục; công khai quá trình thu, chi học phí... Ngành Giáo dục Sơn La xác định mối quan hệ gia đình, nhà trường và xã hội là tam giác không thể tách rời.

Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết: “Tầm quan trọng của mối quan hệ: Phụ huynh, nhà trường, xã hội trong giáo dục học sinh ai cũng hiểu. Tuy nhiên, còn khoảng cách đáng kể giữa nói và làm. Sự lỏng lẻo trong quan hệ giữa gia đình và nhà trường xuất phát từ hai phía. Có thể ở đâu đó, giáo viên và cha mẹ học sinh ít gặp gỡ, trao đổi; chỉ gặp mặt khi họp phụ huynh, nhưng cũng không trò chuyện với cô giáo của con”, ông Quang nói thêm.

Theo ông Quang, có đơn vị thực hiện dân chủ còn mang tính khẩu hiệu, hô hào. Việc công khai các khoản thu chi hạn chế. Cấp dưới ngại va chạm, trao đổi ý kiến, đấu tranh với cấp trên vì sợ bị trù dập.

“Kết thúc các cuộc họp, hầu như ai cũng nhất trí, biểu quyết các vấn đề đưa ra nhưng trong lòng còn nhiều tâm tư, băn khoăn. Ví dụ như việc đánh giá giáo viên không công bằng, về thưởng phạt, phân công, chi tiêu mua sắm công... nên xảy ra tình trạng “cấp trên nói thì dưới gật”, bất kể đúng sai. Giáo viên không dám nói khác, chứ chưa nói là trái ý hiệu trưởng, dẫn đến tình trạng mọi người che giấu, không bộc lộ ý kiến, quan điểm”, ông Quang chia sẻ.

Đại hội Công đoàn ngành Giáo dục huyện Sông Mã là dịp để giáo viên nêu lên tâm tư, nguyện vọng chính đáng.
Đại hội Công đoàn ngành Giáo dục huyện Sông Mã là dịp để giáo viên nêu lên tâm tư, nguyện vọng chính đáng.

Hướng đến dân chủ thực sự

Năm học 2023 - 2024, huyện Sông Mã (Sơn La) có 57 trường học và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên. Toàn huyện có hơn 2 nghìn giáo viên, gần 50 nghìn học sinh. Từ đầu năm học, UBND huyện Sông Mã đã chỉ đạo phòng GD&ĐT tiến hành họp, giao ban với hiệu trưởng các trường. Quan điểm của huyện là thực hiện đồng bộ, hiệu quả giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, trong đó xây dựng môi trường giáo dục dân chủ.

Chia sẻ của ông Nguyễn Công Viên - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Mã, phòng đã chỉ đạo các nhà trường tiến hành họp phụ huynh, công khai các khoản thu đầu năm học mới. Với tinh thần đó, “các trường còn công khai khoản kinh phí xã hội hóa dùng để nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, sắm sửa trang thiết bị dạy học. Qua đó, truyền tải thông tin đến phụ huynh để nắm bắt tình hình. Tránh tình trạng thắc mắc và khiếu nại, khiếu kiện”, ông Nguyễn Công Viên nhấn mạnh.

Tại Trường PTDTBT THCS xã Mường Cai, huyện Sông Mã, mọi khoản thu chi, khen thưởng được minh bạch cho giáo viên biết, tránh bàn tán xầm xì sau buổi họp, tạo nên khoảng cách giữa hiệu trưởng và giáo viên. “Đầu năm học, ban giám hiệu chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thông báo rõ mức thu học phí, các khoản thu dùng vào mục đích gì. Nếu phụ huynh thắc mắc hoặc chưa hiểu rõ về khoản thu chi, chúng tôi sẽ trực tiếp lắng nghe và giải đáp cụ thể”, thầy Hiệu trưởng Phan Thế Anh thông tin.

Có con học tại Trường PTDTBT THCS xã Mường Cai (huyện Sông Mã), anh Lò Văn Dũng cho rằng, nhà trường công khai, minh bạch các khoản thu chi thì phụ huynh sẽ hiểu, nếu thực sự chính đáng và cần thiết sẽ đồng thuận, tự nguyện đóng góp.

“Đầu năm học, giáo viên thông báo họp phụ huynh. Trong cuộc họp chúng tôi được giáo viên thông báo các khoản như học phí, chi tiêu trong năm... Chúng tôi chỉ cần nhà trường minh bạch, làm đúng là ủng hộ, bởi ai cũng hiểu rằng đây là đóng góp cần thiết, xứng đáng cho con em mình trong quá trình học tập…”, anh Dũng nói.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, để phát huy dân chủ trong giáo dục, trước hết, ban giám hiệu nhà trường cần chủ động gặp gỡ giáo viên, nhân viên để tìm hiểu tâm tư, tình cảm, khó khăn, từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Đối với phụ huynh, nhà trường nên tổ chức gặp mặt thông qua các buổi họp định kỳ hoặc đột xuất tại trường; thực hiện công khai các khoản thu chi, sửa chữa cơ sở vật chất để phụ huynh nắm rõ, tránh đơn thư khiếu nại. Nhà trường, cũng có thể tổ chức các hoạt động khác như: Dã ngoại, thiết lập nhóm trên Zalo, Facebook trao đổi những việc làm, hình ảnh và tình hình học tập của học sinh cho phụ huynh biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hiện dân chủ trong trường học: Điều kiện tiên quyết tạo đồng thuận