Lá đu đủ không độc và rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là trong điều trị sốt xuất huyết. Tuy nhiên, một số nghiên cứu nói rằng lá đu đủ có chứa một hóa chất gây hại có tên là glycoside cyanogen có thể can thiệp vào các chức năng của cơ thể khi uống một lượng lớn.
Ảnh: Internet
Đu đủ làm thuốc theo kinh nghiệm dân gian
Chia sẻ với báo SK&ĐS, TS.DS Nguyễn Thành Triết - Phó Trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền - ĐH Y dược TPHCM, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 cho biết có thể sử dụng cây đu đủ chữa bệnh theo các bài thuốc dân gian như sau:
Lá cây đu đủ
Được sử dụng để sát khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, chữa sốt rét, trừ giun sán. Chất carpain từ lá đu đủ còn tác dụng làm chậm nhịp tim, có trường hợp còn sử dụng để thay thế digitalis làm thuốc trợ tim.
Chất mủ trắng của đu đủ
Có chứa một loại enzyme gọi là "papain" có khả năng thủy giải protein và nó được sử dụng để làm mềm thịt, làm chất khử trùng để băng vết thương, dùng trong trường hợp khó tiêu, nấm ngoài da, bệnh vẩy nến và ung thư. Papain còn có tác dụng trung hòa một số độc tố và toxalbumin.
Nước hãm từ rễ
Đã được sử dụng theo truyền thống trong điều trị các bệnh hoa liễu, bệnh trĩ và bệnh mụn cóc. Rễ đu đủ sắc uống làm thuốc cầm máu trong bệnh băng huyết, bệnh sỏi thận. Có người dùng rễ đu đủ làm chế giả nhân sâm vì rễ đu đủ giống hình người, uống cũng thấy đói, ăn ngon cơm.
Hạt đu đủ
Cũng cho thấy có khả năng kháng khuẩn mạnh.
Hoa đu đủ đực
Hoa đu đủ tươi hoặc phơi khô hấp với đường hoặc đường phèn dùng chữa bệnh ho, viêm ống phổi, mất tiếng.