Một lãnh đạo Ban Quản lý dự án Khu CNC Hòa Lạc cho biết, hiện Ban đang thực hiện nhiệm vụ sắp xếp nhân sự và đề án hoạt động. Khu CNC Hòa Lạc cần thành phố bổ sung các cơ chế, chính sách mới, đặc thù để thu hút đầu tư và thực hiện đãi ngộ tốt đối với các chuyên gia làm việc tại đây. Bên cạnh đó cần bố trí vốn ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài vốn ngân sách trung ương để hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư Khu CNC Hòa Lạc trong giai đoạn tới.
Nhận định về việc chuyển giao khu CNC Hòa Lạc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, đây là yếu tố quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để TP cụ thể hóa mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là khu CNC Hoà Lạc”.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, để phát triển được Khu CNC Hòa Lạc xứng tầm, Hà Nội nhất thiết phải có chính sách đủ độ tin cậy để thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn đặt các khu nghiên cứu tiên tiến. Ngoài ra hạ tầng, cơ sở vật chất, môi trường sống phải được đầu tư bài bản, nâng cao chất lượng. Cuối cùng là những chính sách đãi ngộ đặc biệt ưu tiên cho Khu CNC Hòa Lạc để những nhà khoa học trong và ngoài nước có thể làm việc lâu dài, đem tài năng cống hiến vì sự phát triển khoa học công nghệ nước nhà.
“Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo để hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng khu CNC Hòa Lạc trong năm 2024. Đồng thời sẽ dành nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng và tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội nhằm xây dựng và phát triển khu CNC Hòa Lạc trở thành hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và giữ vai trò hạt nhân, vùng lõi của đô thị Hòa Lạc trong tương lai”, lãnh đạo thành phố Hà Nội nói.