Thượng đỉnh NATO tại Vinius sẽ trao “phao cứu sinh” cho Ukraine?

Hồng Anh | 06/07/2023, 08:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã mang lại cho NATO động lực mới. Sau khi rút khỏi Afghanistan vào năm 2021, NATO đã quay trở lại tập trung vào nỗ lực phòng thủ tập thể tại châu Âu.

Kiev đang mong muốn được xem xét tư cách thành viên tương lai của NATO tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Nếu được kết nạp, Ukraine sẽ hưởng lợi từ Điều 5 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (quy định về nguyên tắc phòng thủ tập thể, có nghĩa là một cuộc tấn công chống lại một thành viên được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các nước NATO) và được sự đảm bảo an ninh hạt nhân của Mỹ.

Hồi tháng 9/2022, Tổng thống Ukraine Zelensky đã hối thúc NATO gấp rút phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO. Nhưng không quốc gia nào trong NATO ủng hộ việc trao tư cách thành viên cho Ukraine khi nước này vẫn còn xung đột với Nga.

Hiện đang có sự chia rẽ trong NATO về vấn đề này. Các nước Baltic, Ba Lan, Anh và Pháp muốn thượng đỉnh vạch ra một con đường rõ ràng để Ukraine có thể trở thành thành viên của khối sau khi xung đột kết thúc.

Trong khi Mỹ và Đức muốn để ngỏ tất cả các lựa chọn (trong đó có cả việc trì hoãn xem xét tư cách thành viên của Ukraine) vì lo ngại cuộc xung đột sẽ kéo dài vô thời hạn. Theo giới phân tích, tại hội nghị, chắc chắn sẽ có những phát biểu mạnh mẽ về nguyện vọng của Ukraine trở thành thành viên NATO nhưng lại có rất ít chi tiết về cách thức đạt được điều đó.

Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém là ai sẽ thay thế ông Stoltenberg làm Tổng thư ký NATO. Ông Stoltenberg đã đảm nhận công việc này từ năm 2014 và đã được gia hạn nhiệm kỳ 2 lần.

Quan chức này đã bày tỏ nguyện vọng nghỉ hưu khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 10/2023. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace mong muốn sẽ là người kế nhiệm nhưng ông không được Pháp và Mỹ ủng hộ. Giới phân cho rằng, nhiệm kỳ của ông Stoltenberg nhiều khả năng sẽ được gia hạn thêm một lần nữa.

Ngoài ra, hội nghị được cho là sẽ thảo luận về đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Thụy Điển và Phần Lan cùng nộp đơn gia nhập NATO vào tháng 5/2022. Sau hơn 1 năm, Phần Lan giờ đây đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của liên minh.

Trong khi đó, nỗ lực của Thụy Điển vẫn gặp nhiều trở ngại, chủ yếu do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Tiến trình này gặp nhiều thách thức hơn sau khi vụ người tị nạn Iraq sống tại Thụy Điển đốt bản sao kinh Qur’an bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm. Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng gay gắt trước vụ việc này.

Cuối cùng là chính sách của NATO đối với Trung Quốc. Khái niệm chiến lược năm 2022 của NATO nêu bật lo ngại về những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu. Để đối phó Bắc Kinh, NATO đã tăng cường quan hệ chính trị với 4 nước châu Á-Thái Bình Dương là Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Thượng đỉnh tại Vilnius dự kiến ​​sẽ xác nhận các thỏa thuận hợp tác riêng rẽ với những quốc gia này. Tuy nhiên, vấn đề hóc búa hơn là việc NATO cần hành động ra sao trong kỷ nguyên mới của sự cạnh tranh Mỹ-Trung.

Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Douglas Lute cho rằng, hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius sẽ bao trùm mọi thứ từ xung đột Nga-Ukraine đến người kế vị tổng thư ký NATO. Theo ông Lute, đây có lẽ sẽ là hội nghị thượng đỉnh “thách thức nhất” trong lịch sử NATO.

Theo VOV
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thuong-dinh-nato-tai-vinius-se-trao-phao-cuu-sinh-cho-ukraine-post1030764.vov
Copy Link
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thuong-dinh-nato-tai-vinius-se-trao-phao-cuu-sinh-cho-ukraine-post1030764.vov
Bài liên quan
Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 25 thành viên
Ngày 18/2, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thượng đỉnh NATO tại Vinius sẽ trao “phao cứu sinh” cho Ukraine?