Thương mại điện tử xuyên biên giới: Vượt sân nhà, ra biển lớn

Liên Minh | 17/10/2023, 06:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đang phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại nhiều quốc gia, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội để “vượt sân nhà, ra biển lớn”.

thuong-mai-dien-tu-1.jpg
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Doanh nghiệp Việt vượt sân nhà, ra biển lớn.

Cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam

TMĐT xuyên biên giới giúp mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.

Thứ nhất: Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy phân phối. Những năm gần đây, Việt Nam liên tục đàm phán và ký kết thành công nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), mang lại nhiều cơ hội về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Tính đến tháng 7/2021, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, thể hiện mục tiêu của Việt Nam trong việc kết nối ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu.

Thứ hai: Vì dịch bệnh Covid- 19 đã khiến khủng hoảng toàn cầu lại mở ra cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và khởi nghiệp. Nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ với bộ máy tổ chức và vận hành không quá phức tạp sẽ dễ dang thay đổi, năng động và tích cực trong thích nghi với thời đại mới.

Thứ ba: Việc ứng dụng TMĐT nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ và tạo nhiều điều kiện để phát triển.

Những năm gần đây, Chính phủ đã không ngừng phối hợp với các cơ qan chức năng để đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy cho sự phát triển của TMĐT. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Thứ tư: Cơ cấu dân số vàng mang lại nhiều lợi thế cho ngành TMĐT Việt Nam. Từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng, một lực lượng lao động trẻ năng động, nên có nhiều tiềm năng trong việc tiếp thu kiến thức và kỹ năng mới, trong đó có livestream bán hàng hay marketing điện tử.

Với tốc độ tăng trưởng vượt bậc của TMĐT, hàng loạt doanh nghiệp điện tử ra đời tạo ra nhu cầu lớn về nguồn nhân lực cao, đặc biệt là lao động có kỹ năng về công nghệ thông thông tin.

Theo khảo sát của Cục thương mại điện tử và kinh tế số, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành thương mại điện tử có việc làm đạt trên 90% tại một số trường đại học, cao đẳng.

chuyen-doi-so.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Doanh nghiệp Việt cần nắm bắt cơ hội

Theo nghiên cứu mới nhất của Access Partnership, doanh thu xuất khẩu TMĐT của Việt Nam có thể đến 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027 nếu như các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ và đẩy nhanh tốc độ áp dụng TMĐT để xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ.

Nghiên cứu được thực hiện bằng khảo sát với 300 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tại Việt Nam cho thấy 86% các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ sẽ không thể thực hiện hoạt động xuất khẩu nếu không có TMĐT.

Bên cạnh đó, các MSMEs địa phương cũng đang hướng tới việc mở rộng thị trường đến các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu trong vòng 5 năm tới.

Nhận thấy tiềm năng này, Hội nghị TMĐT xuyên biên giới năm 2023, bà Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số nhận định, TMĐT xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng TMĐT bán lẻ trên 20%/năm. Đây là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế số của Chính phủ.

Bà Lại Việt Anh còn nhấn mạnh: Những năm qua, Cục TMĐT & Kinh tế số đã cùng Amazon Global Selling ký thoả thuận hợp cùng triển khai Sáng kiến “TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” với mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026, từ đó nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp địa phương thông qua TMĐT.

Trong năm 2022, đã có 1.300 doanh nghiệp tham gia chương trình và được chia sẻ thông tin, kiến thức thông qua 9 khoá đào tạo do Amazon Global Selling và Cục TMĐT & KTS phối hợp với các đối tác địa phương tổ chức.

Và mục tiêu trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Cục và Amazon Global Selling sẽ tiếp tục tổ chức các khoá đào tạo và hoạt động thực tế nhằm nâng cao kỹ năng cho các doanh nghiệp Việt Nam tự tin gia nhập CBEC một cách hiệu quả.

Trong khi đó, đề cập về các xu hướng dự báo cho hàng hoá và thương hiệu Việt Nam khi bước ra thế giới, ông Gijae Seong – Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết: Nhiều doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng xuất khẩu trực tuyến. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng 45% trong năm 2022, song, các doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu và làm sao để mở rộng quy mô.

Đồng thời nhấn mạnh, Amazon Global Selling cam kết góp phần nâng cao sự phát triển của các doanh nghiệp tại Việt Nam bằng cách trang bị cho họ hành trang để tiếp nhận những thay đổi và vươn lên tầm cao mới trong môi trường kinh doanh toàn cầu hiện nay.

Và chính hoạt động TMĐT xuyên biên giới, thông qua các sàn thương mại điện tử đã và đang mở ra cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt nắm bắt, vươn ra thị trường toàn cầu.

(Còn tiếp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Vượt sân nhà, ra biển lớn