Tích hợp liên môn trong dạy học Ngữ văn

21/12/2023, 07:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Hà Thị Khuyên, giáo viên Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ kinh nghiệm dạy học hiệu quả môn Ngữ văn theo hướng tích hợp, liên môn.

Chẳng hạn khi dạy Bài “Khái quát văn học Việt Nam từ 1945 đến hết thế kỉ XX”, giáo viên có thể vận dụng kiến thức Lịch sử 12 để học sinh nắm rõ nội dung: Tại sao văn học từ 1945 đến hết thế kỉ XX được chia làm hai giai đoạn và mốc chia tách là 1975?

Hoặc vận dụng kiến thức Lịch sử 12 (Việt Nam từ 1945-1954; Việt Nam từ 1954-1975) để học sinh nắm được hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa của các chặng đường văn học: 1945 -1954, 1954 -1964, 1964 -1975.

Khi dạy Bài “Vợ nhặt” (Kim Lân), giáo viên vận dụng kiến thức Lịch sử 12 về phong trào giải phóng dân tộc và tổng khởi nghĩa tháng Tám (1939-1945) làm nổi bật bối cảnh truyện và tình người trong tác phẩm.

Giáo viên cũng có thể tích hợp kiến thức Địa lí để hướng dẫn học sinh chiếm lĩnh chi tiết, hình tượng trong tác phẩm.

Chẳng hạn khi dạy bài “Tây Tiến” (Quang Dũng), giáo viên vận dụng Địa lí 12 (bài “Đất nước nhiều đồi núi”) để định hướng:

Phía Tây nước ta, nhất là vùng phía Tây Bắc, tây Thanh Hóa là vùng rừng núi hiểm trở, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt. Dẫu biết vậy nhưng những chàng trai Hà thành vẫn quyết “Tây Tiến” (tiến về phía Tây), vẫn nguyện dấn thân, chiến đấu quên mình vì Tổ quốc. Đó là lẽ sống cao đẹp của những người lính Tây Tiến, cũng là của thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời kì chống Pháp.

Không chỉ Lịch sử, Địa lý, giáo viên có thể tích hợp kiến thức Giáo dục công dân để hướng dẫn học sinh chiếm lĩnh giá trị tư tưởng tác phẩm, từ đó hình thành phẩm chất, nhân cách.

Chẳng hạn ở bài “Tây Tiến” (Quang Dũng), giáo viên vận dụng kiến thức Giáo dục công dân lớp 10 (bài “Công dân với cộng đồng”) để liên hệ thực tiễn: thế hệ cha anh đã hi sinh xương máu để làm nên một đất nước hòa bình. Ngày nay, thế hệ trẻ chúng ta cần có ý thức xây dựng cộng đồng, bảo vệ Tổ quốc; cần sống có lí tưởng, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

Ở bài “Sóng” (Xuân Quỳnh), vận dụng kiến thức Giáo dục công dân lớp 10 (bài “Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình”) để giúp học sinh nhận rõ hơn: tình yêu là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp nhất của con người. Bởi vậy, mỗi người cần trân trọng tình yêu; yêu một cách chân thành, trong sáng, phù hợp với các quan niệm đạo đức tiến bộ của xã hội...

Giáo viên cũng có thể vận dụng kiến thức khoa học, công nghệ để tạo nên các sản phẩm STEM môn Ngữ văn. Ví dụ, giao nhiệm vụ cho học sinh tạo ra các sản phẩm: ứng dụng công nghệ thông tin để làm video hỗ trợ khi thực hành kĩ năng nói “Trình bày một vấn đề nghiên cứu” ở lớp 11; thiết kế bảng “Nội quy giữ gìn vệ sinh lớp học” khi thực hành về phương tiện phi ngôn ngữ ở lớp 10...

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tich-hop-lien-mon-trong-day-hoc-ngu-van-post665408.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tich-hop-lien-mon-trong-day-hoc-ngu-van-post665408.html
Bài liên quan
Thi tuyển vào lớp 10: Toán, Ngữ văn và môn/bài thi do địa phương chọn
Phương thức thi tuyển vào lớp 10 sẽ thực hiện 3 môn thi, bài thi (Toán, Ngữ văn, 1 môn thi hoặc bài thi thứ ba) do sở GD&ĐT lựa chọn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tích hợp liên môn trong dạy học Ngữ văn