Trong khi cuộc xung đột Israel – Hamas chưa đi đến hồi kết thì căng thẳng giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Lebanon trong những ngày gần đây không ngừng leo thang kể từ sau khi Tel Aviv ám sát một chỉ huy cấp cao của Hezbollah vào tuần trước và lực lượng này đáp trả bằng cách bắn hơn 200 quả tên lửa vào lãnh thổ Israel.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo, mọi người trong khu vực và trên thế giới không được để Lebanon trở thành một Gaza thứ 2.
Nguy cơ xung đột lan rộng là có thật
Căng thẳng gia tăng khi quân Israel có ý định mở một chiến dịch trên bộ chống Hezbollah trên lãnh thổ Lebanon. Theo Ngoại trưởng Israel, quân đội nước này đang tiến rất gần đến thời điểm “thay đổi luật chơi” trong xung đột với Hezbollah, nhấn mạnh rằng, cuộc chiến tổng lực với Israel sẽ khiến nhóm vũ trang ở Lebanon này bị hủy diệt. Chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cũng đã duyệt kế hoạch tác chiến cho cuộc tấn công qua biên giới vào Lebanon để đối phó Hezbollah.
Hiện trường vụ tấn công rocket từ Lebanon xuống khu vực Kiryat Shmona, miền Bắc Israel hôm 5/5.
Đáp lại, Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cảnh báo về một cuộc chiến “không kiềm chế, không quy tắc và không giới hạn” nếu Israel hành động như vậy: “Tất cả những tuyên bố của đối phương không khiến chúng tôi lo lắng, Israel mới là bên nên sợ hãi. Họ sẽ phải đối mặt với chúng tôi trên bộ, trên không và trên biển. Trong trường hợp xung đột nổ ra, chúng tôi sẽ không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy tắc nào. Không có nơi nào trên lãnh thổ Israel có thể thoát khỏi máy bay không người lái và tên lửa của chúng tôi”. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã thông báo cho Chính phủ Lebanon về việc sẽ hỗ trợ Israel nếu đồng minh quyết định mở một chiến dịch quân sự chống lại Hezbollah. Trong khi đó, kình địch của Israel và Mỹ, đồng thời có mối quan hệ mật thiết với Hezbollah, Iran, ngày 21/6, cảnh báo, bất kỳ bước đi thiếu thận trọng nào của Israel sẽ khiến khu vực có thêm một cuộc xung đột và điều này có thể dẫn tới sự hủy diệt Nhà nước Do Thái.
Về phần mình, Tổng Thư ký Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về những căng thẳng gia tăng giữa Israel và lực lượng Hezbollah tại Lebanon, cảnh báo về một thảm kịch tương tự Dải Gaza sẽ xảy ra nếu một cuộc chiến toàn diện được hai bên tiến hành. Ông cảnh báo: “Sự leo thang về giao tranh hay những lời lẽ hiếu chiến từ cả hai phía như thể một cuộc chiến toàn diện sắp xảy ra. Nguy cơ xung đột ở Trung Đông lan rộng là có thật và cần phải tránh. Bất kỳ hành động hấp tấp, tính toán sai lầm có thể gây ra một thảm họa vượt xa biên giới và nói thẳng ra là ngoài sức tưởng tượng. Hay nói rõ rằng, khu vực và trên thế giới không thể để Lebanon trở thành một Gaza khác”. Theo giới chuyên gia, nếu mở một cuộc tấn công toàn diện vào Hezbollah, Israel và đồng minh Mỹ cần tính đến những “khó khăn” khi phải chia sức cho nhiều mặt trận, ở cả Lebanon, Gaza và Biển Đỏ – nơi lực lượng Houthi tại Yemen cũng đang tấn công các tàu chiến Mỹ, Anh hay những tàu hàng có ý định cập bến Israel. Khi đó, nhiều người lo ngại rằng, hệ thống phòng thủ của Israel có thể sẽ đối mặt với sự quá tải trước các mối đe dọa từ nhiều phía.
Và nỗi lo sợ bị “vạ lây”
Mặc dù có thể tránh được một cuộc xung đột toàn diện giữa Israel và Hezbollah, nhưng nhiều người Lebanon vẫn lo lắng. Theo ông Imad Salamey, giảng viên chính trị tại Đại học Lebanese American, xung đột gia tăng đang làm suy yếu nền kinh tế của nước này, do “du khách và các nhà đầu tư tiềm năng đang xem xét lại quyết định của họ”. Nền kinh tế Lebanon đã suy thoái từ trước cuộc khủng hoảng hiện nay, và phần đông người dân không mong muốn tái diễn cuộc chiến với Israel vào năm 2006. Bên cạnh đó, Lebanon đang phải trải qua một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất lịch sử do không bầu được Tổng thống sau nhiều lần bỏ phiếu suốt gần 2 năm trở lại đây. Chuyên gia Imad Salamey nhận định: “Hiện Lebanon không có khả năng đáp trả một cách hiệu quả trước cuộc tấn công của Israel hoặc một cuộc chiến tranh trên không quy mô lớn hơn nhằm vào cơ sở hạ tầng của nước này. Bất kỳ sự mở rộng đáng kể nào của xung đột đều là thảm họa bởi một khi cơ sở hạ tầng bị phá hủy sẽ khó được sửa chữa hoặc thay thế”. Tuy nhiên, nếu Tel Aviv quyết định tiếp tục can dự vào Lebanon, cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự của Israel cũng có thể bị thiệt hại nghiêm trọng. Bên cạnh đó, khoảng 90.000 người dân Israel đang phải tạm di tản khỏi quê nhà để tránh các cuộc giao tranh nảy lửa giữa Israel và Hezbollah. Áp lực đè nặng lên các chính trị gia Israel khi năm học đến gần, và người dân phía Bắc muốn trở về nhà để con cái họ tiếp tục được theo học. Hiện, Israel đang nỗ lực thực hiện mục tiêu “xóa sổ Hamas” trong khi mối đe dọa từ biên giới phía Bắc ngày càng lớn mạnh. Mặc dù, Israel có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho Lebanon nhưng điều này cũng có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài không thể lường trước, như những gì từng xảy ra trong quá khứ. Chuyên gia Karim Emile Bitar, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Saint Joseph ở Beirut chỉ ra rằng: “Năm 1982, Israel từng đưa quân vào phía Tây Beirut thuộc Lebanon nhằm tiêu diệt Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và họ đã thành công, nhưng điều đó lại dẫn đến sự ra đời của Hezbollah - một lực lượng cấp tiến và có tổ chức hơn nhiều. Và kịch bản tương tự có thể xảy ra lần nữa”.
Hôm 19/6, thủ lĩnh Hassan Nasrallah đã cảnh báo Cyprus rằng, nếu nước này hỗ trợ Israel tấn công Lebanon, họ sẽ trở thành mục tiêu. Ngay sau đó, Cyprus tuyên bố sẽ giữ thái độ trung lập và không tham gia vào bất kỳ cuộc chiến nào. Thật vậy, nếu Cyprus tiếp tục cho phép Israel sử dụng không phận nước này để diễn tập trên không như trước đây, Hezbollah nhiều khả năng sẽ thực hiện chính xác những gì phong trào này đã đe dọa: Tấn công các mục tiêu của Israel tại Cyprus. Những cuộc tấn công này có thể sẽ tàn phá nền kinh tế của Cyprus. Trước đây, các chính trị gia đối lập ở Cyprus đã từng biểu tình về vấn đề này, cảnh báo mức độ nguy hiểm của chính sách cho phép sử dụng lãnh thổ của đất nước trong một cuộc xung đột đối với nền kinh tế và an ninh của Cyprus. Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác ít tin rằng, Hezbollah thực sự sẽ tấn công Cyprus do những tác động trong khu vực. Theo họ, Hezbollah hiểu rằng, việc nhắm mục tiêu vào Cyprus sẽ kéo cả Liên minh châu Âu (EU) và NATO vào xung đột.
Trong khi đó, một số khác thì cho rằng, cảnh báo của thủ lĩnh Hezbollah có thể có mục đích, ngay cả khi phoòng trào này không thực hiện lời đe dọa chống lại Cyprus. Ông Karim Emile Bitar, PGS quan hệ quốc tế tại Đại học Saint Joseph ở Beirut, chia sẻ: “Cảnh báo này là một phần của cuộc chiến tâm lý và nhằm mục đích gửi một thông điệp rõ ràng tới các đối thủ của Hezbollah rằng, bất kỳ nỗ lực nào của Israel nhằm mở rộng phạm vi chiến tranh và tấn công Lebanon sẽ gây ra hậu quả lớn cho tất cả các đồng minh phương Tây của Israel - đặc biệt là các đồng minh trong khu vực”. Cùng quan điểm, chuyên gia Imad Salamey cho rằng, cuộc chiến tâm lý của Hezbollah có thể khiến EU gây sức ép buộc Israel không mở rộng phạm vi chiến đấu chống lại Lebanon. Vị chuyên gia này đồng thời cho rằng, tuyên bố trung lập của Cyprus có thể được coi là một chiến thắng chiến lược đối với Hezbollah: “Phản ứng này cho thấy thông điệp gián tiếp từ Liên minh châu Âu (EU) rằng, khối này không hào hứng ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel. Động thái trên đã củng cố vị thế răn đe của Hezbollah và góp phần kiềm chế quốc tế ủng hộ các hành động quân sự tiềm tàng của Israel rộng rãi hơn”.
Tuy nhiên, ngay cả khi Cyprus không bị kéo vào bất kỳ cuộc xung đột nào, khả năng dòng người tị nạn - người Lebanon và Syria ở Lebanon - tràn vào lãnh thổ Cyprus cũng sẽ khiến chính phủ nước này lo lắng. EU cũng chia sẻ mối lo ngại về làn sóng tị nạn này. Gần đây, khối này tuyên bố sẽ hỗ trợ tài chính cho Lebanon hơn 1 tỷ USD. Phần lớn số tiền này được quy định sẽ dành cho việc chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp. PGS Bitar tại Đại học St Joseph cho biết, có khả năng Hezbollah sẽ nới lỏng kiểm soát biên giới bên ngoài đất nước để khuyến khích người tị nạn đến Cyprus. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, mối lo ngại lớn nhất đối với Cyprus và khu vực là Hezbollah và Israel có thể đẩy khu vực này vào vòng xoáy chiến tranh, ngay cả khi họ không cố ý.