Tiềm lực quân sự khối Tây Phi áp đảo Niger, can thiệp liệu có dễ?

24/08/2023, 16:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Xét về quân số và ngân sách, lực lượng quân sự của khối Tây Phi sẽ lấn áp so với quân đội Niger, ngay cả khi Niamey nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền quân sự Mali và Burkina Faso. Tuy nhiên, việc can thiệp quân sự của khối Tây Phi vào Niger, nếu xảy ra, cũng chưa chắc đã dễ dàng.

Chỉ xét về quân số và ngân sách, tiềm lực quân sự của khối Tây Phi sẽ áp đảo so với quân đội Niger, ngay cả khi Niamey nhận được hỗ trợ từ các chính quyền quân sự ở Mali và Burkina Faso. Theo Dữ liệu mở của Ngân hàng Thế giới, Nigeria, một thành viên của ECOWAS, có quân số gấp 22 lần số quân của Niger và gấp 4 lần số binh sĩ của Burkina Faso, Mali, Guinea và Niger gộp lại. 

Niger, quốc gia không giáp biển, cũng có các điểm yếu đáng kể về mặt hậu cần. Một trong số đó có thể kể đến việc phụ thuộc lớn vào điện do Nigeria cung cấp. 

Dù có chênh lệch về tiềm lực quân sự, nhưng việc ECOWAS can thiệp quân sự vào Niger được cho là không dễ dàng, tờ Washington Post nhận định.

Trong lịch sử chiến tranh thế giới, không ít trường hợp các lực lượng được cho là yếu hơn lại có chiến thắng trước các thế lực mạnh hơn. Một cuộc can thiệp quân sự vào Niger có thể sẽ cần một lực lượng lớn hơn nhiều so với con số 7.000 quân được gửi tới Gambia 6 năm trước. Niger lớn hơn Gambia rất nhiều cả về địa lý và dân số. 

Nhiều nước thành viên ECOWAS, trong đó có Nigeria, đang phải vật lộn với các vấn đề an ninh của chính họ, khiến việc gửi binh sĩ và thiết bị đến Niger (nếu xảy ra can thiệp quân sự) sẽ gặp khó khăn. 

Hãng Reuters tuần trước đưa tin, không ít người dân ủng hộ chính quyền quân sự Niger đã tham gia vào lực lượng tình nguyện để đối phó với nguy cơ về một hành động can thiệp quân sự. Theo hãng tin AP, chính quyền quân sự đã đe dọa có thể sát hại Tổng thống Bazoum nếu ECOWAS can thiệp quân sự.

Tiềm lực quân sự khối Tây Phi áp đảo Niger, can thiệp liệu có dễ? - 3

Việc ECOWAS tuyên bố ý định can thiệp quân sự vào Niger đang gây tranh cãi. Ảnh minh họa: Africa News

Khả năng can thiệp quân sự của ECOWAS có được ủng hộ?

Trong các tuyên bố, Liên minh châu Phi (AU) đã tránh thảo luận về vấn đề can thiệp quân sự. AU dường như bị chia rẽ về vấn đề này, làm dấy lên nghi ngờ về tính hợp pháp của việc ECOWAS can thiệp quân sự vào Niger khi chưa có sự chấp thuận của AU. 

Một số quốc gia láng giềng của Niger như Algeria đã bày tỏ lo ngại về việc can thiệp quân sự có thể gây ra những hậu quả khôn lường. "Chúng ta có thể bắt đầu can thiệp quân sự nhưng sẽ không thể biết nó kết thúc ra sao", ông Ahmed Attaf, Ngoại trưởng Algeria, nói trong chuyến thăm Washington gần đây. 

Chính phủ Mỹ nói rằng sẽ ủng hộ ECOWAS nhưng chú trọng biện pháp ngoại giao hơn can thiệp quân sự. Washington có khoảng 1.000 binh sĩ đồn trú ở Niger để thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố. Nếu xảy ra can thiệp quân sự ở Niger, các binh sĩ Mỹ có nguy cơ bị vướng vào cuộc xung đột. 

Pháp cũng ủng hộ ECOWAS nhưng nước này phải đối mặt với làn sóng chống Pháp ở Tây Phi. Trong khi đó, Nga cảnh báo về việc can thiệp quân sự vào Niger, cho rằng điều đó sẽ dẫn đến "sự bất ổn rõ rệt" trong khu vực.

J.Peter Pham, một thành viên của tổ chức phi chính phủ Atlantic Council (trụ sở tại Mỹ), cho rằng ECOWAS đã "chơi quá tay" khi đe dọa một sự can thiệp quân sự mà họ chưa lên kế hoạch hoặc tính toán đầy đủ.

Peter Pham cho rằng, để đủ độ tin cậy, một lực lượng can thiệp phải có quân số gấp 3 lần quân đội Niger - vốn có khoảng 5.000 binh sĩ chỉ tính riêng ở thủ đô Niamey. 

"Thậm chí, không ai gợi ý về những con số như vậy", Peter Pham nói và gọi lời đe dọa can thiệp quân sự của ECOWAS là "một cái bẫy mà giới lãnh đạo của khối tự sa vào". "Quy tắc ngoại giao cơ bản là không bao giờ hứa hay đe dọa khi bạn không đủ khả năng hoặc chưa sẵn sàng thực hiện", chuyên gia của Atlantic Council nói.

Khối Tây Phi từng can thiệp quân sự ở đâu?
Tiềm lực quân sự khối Tây Phi áp đảo Niger, can thiệp liệu có dễ? - 4
Lực lượng của ECOWAS từng can thiệp quân sự vào Gambia năm 2017. Ảnh: Ceprass
Lần gần nhất ECOWAS can thiệp quân sự vào một quốc gia thành viên là vào năm 2017 ở Gambia. 
Khối này đã gửi 7.000 binh sĩ đến từ Ghana, Nigeria và Senegal tới Gambia để buộc Tổng thống Yahya Jammeh chuyển giao quyền lực cho ông Adama Barrow, người thắng cử năm đó. Ông Jammeh, người phản đối kết quả bầu cử, cuối cùng phải nhượng bộ. Đổ máu không xảy ra. 
Trước đó, lực lượng quân sự của ECOWAS đã hoạt động như lực lượng gìn giữ hòa bình ở Liberia và Sierra Leone trong thập niên 90. 
ECOWAS bị chỉ trích vì thiếu sự nhất quán trong các biện pháp can thiệp. Dù đã can thiệp quân sự vào Gambia năm 2017, khối Tây Phi này đã không can thiệp quân sự khi đảo chính xảy ra ở Mali, Burkina Faso và Guinea. ECOWAS chỉ phản ứng bằng cách đình chỉ tư cách thành viên và đưa ra biện pháp trừng phạt với chính quyền quân sự các nước này. 
"Những mâu thuẫn này làm tổn hại đến tính hợp pháp của ECOWAS, khiến các chính quyền quân sự có lý do để không tôn trọng khối này", Kamissa Camara, cựu Ngoại trưởng Mali, nói trong cuộc phỏng vấn gần đây với Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch. 
Theo ([Tên nguồn])
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/tiem-luc-quan-su-khoi-tay-phi-ap-dao-niger-can-thiep-lieu-co-de-c415a1495281.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/tiem-luc-quan-su-khoi-tay-phi-ap-dao-niger-can-thiep-lieu-co-de-c415a1495281.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiềm lực quân sự khối Tây Phi áp đảo Niger, can thiệp liệu có dễ?