Trong 5 năm qua, các đơn vị cơ sở Đoàn trực thuộc Tỉnh đoàn đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho gần 359.538 lượt đoàn viên, thanh niên, học sinh; giới thiệu việc làm cho 45.793 lượt thanh niên, trong đó 19.985 thanh niên có việc làm.
Chương trình hướng nghiệp cần tạo sức hút để phân luồng, hướng nghiệp hiệu quả. |
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang, chương trình giáo dục, đào tạo nghề thường xuyên được các trường tổ chức rà soát, cập nhật, bổ sung theo sự góp ý của doanh nghiệp, chuẩn đầu ra và kỹ năng nghề quốc gia. Thời gian tới, từng địa phương cần phải đưa nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình.
Cần tiếp tục xây dựng, điều chỉnh nội dung và tài liệu giảng dạy chương trình hướng nghiệp để học sinh có thể tiếp cận, tìm hiểu các ngành nghề và thị trường lao động. Ngành Giáo dục cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin đối với học sinh không trúng tuyển lớp 10 và học sinh THPT có nguy cơ bỏ học để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận, tư vấn, tạo điều kiện cho các em có thể vào học tại các cơ sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Công tác phân luồng học sinh, theo Sở GD&ĐT Tiền Giang, vẫn còn những khó khăn. Khó nhất là học sinh vẫn tập trung vào học tại các trường THPT công lập, sau đó chọn con đường học tập tiếp tục là đại học, cao đẳng. Một số học sinh không học lên THPT thì có xu hướng bỏ học, đi làm.
Việc chọn nghề, chọn ngành học của một số học sinh và phụ huynh vẫn còn tâm lý trọng bằng cấp, chưa quan tâm đúng mức, thiếu tìm hiểu thấu đáo; chọn nghề theo sự áp đặt của người lớn, hay chọn các nghề “hot”, nghề dễ kiếm tiền… mà chưa cân nhắc có phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện bản thân và gia đình.
Con số thống kê cho thấy, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp tuy có tăng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác phân luồng. Bình quân hằng năm dao động khoảng 13% - 20% số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không vào lớp 10 THPT và Trung tâm GDTX, không vào học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề mà vào thẳng thị trường lao động hay trở về địa phương lao động khi chưa được đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp trong các trường học vẫn bộc lộ không ít hạn chế. Đa phần các trường ở bậc trung học trên địa bàn tỉnh thiếu đội ngũ giáo viên am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động và thực tế ngành, nghề của xã hội.