Tiến sĩ Phan Sĩ Thục: Quan thanh liêm, giữ trọn tiết tháo

07/04/2025 08:53

Với quan niệm làm quan nên được dân yêu chứ không phải để dân sợ, làm quan phải thanh liêm không thẹn cái tiếng khoa bảng, Tiến sĩ Phan Sĩ Thục đã sống một đời sáng tỏ đạo đức nhà nho - nhà giáo dục mẫu mực.

Quan Đốc học đi sứ nhà Thanh

Tiến sĩ Phan Sĩ Thục (1822 - 1891) người xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), là con trai một thầy thuốc giỏi có tiếng trong vùng nhưng gia đình lại rất nghèo khó. Không theo nghề thuốc của cha, Phan Sĩ Thục quyết theo nghiệp đèn sách với ý chí lớn hơn, có thể kinh bang tế thế, giúp nước lợi dân, an yên thiên hạ.

Là người thông minh, hiếu học, có chí tiến thủ nên Phan Sĩ Thục sớm gắn bó với nghiệp lều chõng, năm 1840 Phan Sĩ Thục đỗ Tú tài, năm 1846 đỗ Cử nhân. Tại khoa thi Hội năm Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức năm thứ 2 (1849) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này cho biết, triều Nguyễn lấy 12 người đỗ, trong đó Đỗ Duy Đê và Lê Đình Diên đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân; Phan Sĩ Thục đỗ hàng Đệ tam, tên đứng thứ 3 trong số 10 Tiến sĩ.

Sau khi thi đỗ, Phan Sĩ Thục được bổ làm Tri phủ Cam Lộ (Quảng Trị) bắt đầu cuộc đời làm quan dưới triều Nguyễn. Tháng 10/1854 chuyển làm Tri phủ Kiến Thụy - một vùng đất đang có nhiều bất ổn. Với tài năng, đức độ và sự nhiệt huyết, trong thời gian làm quan tại đây, ông đã dần làm cho vùng này trở nên yên bình.

Năm 1861, Phan Sĩ Thục được bổ làm Ngự sử đạo Nam Trung, rồi được bổ chức Thị độc quản đạo Phú Yên. Năm 1864, Tổng đốc An Tĩnh Hoàng Tá Viêm dâng sớ cử người có tài năng đức độ xin về làm Đốc học Nghệ An, nhà vua y cho. Năm 1868 được điều về kinh đô Huế nhậm chức Lang trung bộ Lại.

tien-si-phan-si-thuc-5.jpg
Bức hoành phi “Tiên ưu hậu lạc” (Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ) tại nhà thờ Tiến sĩ Phan Sĩ Thục. Ảnh minh hoạ: IT

Năm 1872, Phan Sĩ Thục làm Bố chánh Quảng Ngãi, rồi được chọn làm Chánh sứ sang nhà Thanh để giải quyết những vấn đề phức tạp về biên giới và thăm dò thái độ triều đình nhà Thanh đối với thế lực phương Tây.

Việc này, sách “Đại Nam thực lục” chép rằng: “Năm Tự Đức thứ 26 vua sai sứ sang nhà Thanh dâng cống. Bố chính xứ Quảng Ngãi là Phan Sĩ Thục đổi làm Hữu thị lang bộ Lễ sung chức Chánh sứ. Thị độc lãnh quản đạo Hà Tĩnh là Phan Văn Quán thăng Thị giảng học sĩ. Viên ngoại lang lãnh Lang trung bộ Hộ là Nguyễn Tư đổi làm Hồng lô tự Thiếu khanh. Hai người này được sung chức giáp, ất phó sứ. Vua bèn sai làm tờ biểu nói về cương giới phía Bắc giao Sĩ Thục để tâu lên vua nước Thanh”.

Lại dụ ngay trước mặt rằng: “Tờ biểu về mặt cương giới phía Bắc là việc cần thiết. Viên ấy (chỉ tuần phủ Đô đốc tỉnh Quảng Tây) có đùn đẩy trách nhiệm thì tùy tiện mà làm cho ổn thỏa, cần cẩn thận đến vua Thanh để biết tình hình ở biên giới. Tướng nước Thanh nhiều lần từ xa đến, chưa chịu làm việc thực sự như họ Lưu, họ Phùng, lại tâu lên rằng giặc ở tại Hưng Hóa - Tuyên Quang, nên xin cho nước ta tính lấy”.

Đoàn sứ giả khi ra đi thì ổn thỏa, nhưng khi đến Bắc Kinh việc tiếp xúc với vua quan nhà Thanh rất khó khăn, không ai nhiệt tình gặp gỡ bàn bạc. Riêng chỉ riêng có quan đại thần Hòa Khôn (Hoà Thân) là người tận tình giúp đỡ.

tien-si-phan-si-thuc-3.jpg
Đình Võ Liệt ở quê hương Tiến sĩ Phan Sĩ Thục.

Làm quan vì nước, vua khen - giặc nể

Một số tư liệu và giai thoại kể rằng, trong một buổi đại yến do nhà Thanh tổ chức, vua Thanh muốn biết ý tứ của người Nam trước thế cuộc nên ra sức ép Chánh sứ Phan Sĩ Thục uống rượu. Sau khi tìm cách thoái thác, vua Thanh hỏi: “Sứ thần ít uống, hay do rượu của trẫm không ngon hay vì còn có điều gì?”. Chánh sứ Phan Sĩ Thục bái tạ và đọc thơ: “Trường túy mai Lưu Linh/ Độc tỉnh trầm Khuất Bình/ Nam nhân thiện ẩm tửu/ Bất túy diệc bất tinh”.

Bài thơ lấy ý tứ từ sự tích Lưu Linh - Tể tướng nước Tấn vì can vua không được bèn bỏ đi, sau chết trong rừng. Ý nữa lấy tích Khuất Bình - Tể tướng nước Sở, can ngăn vua Sở không đi hội thề, vua không nghe sau bị nhà Tần hãm hại.

Nhưng điều thâm thuý là ở 2 câu cuối: “Nam nhân thiện ẩm tửu/ Bất túy diệc bất tinh”, ý nói người Nam giỏi uống rượu, không say nhưng cũng không tỉnh. Điều này muốn ám chỉ thông điệp về chính trị “tiến thoái lưỡng nan”, tiến không được, lùi không xong, đánh chưa chắc đã thắng, hoà chưa hẳn đã yên. Vua Đồng Trị của nhà Thanh nghe bài thơ, hiểu ý tứ thì khen hay.

Năm 1875, vua Tự Đức ban chế khen ngợi Phan Sĩ Thục là người nho nhã nêu cao phong thái, hiên ngang khí tiết bao trùm, tính khoan giản thẳng thắn ôn hòa luôn rạng rỡ, tài văn chương chính sự hạng ưu đáng để tin dùng. Triều đình bèn thăng ông làm Hình bộ Thị lang.

tien-si-phan-si-thuc-4.jpg
Bia đá ghi danh những người đỗ đạt tại đình Võ Liệt.

Năm 1876, Phan Sĩ Thục được cử làm Bố chánh Quảng Bình rồi thăng Tuần phủ Quảng Trị. Khi mẫu thân qua đời, ông xin từ chức về chịu tang, mãn tang lại giữ chức cũ. Năm 1878, ông thụ chức Trung phụng đại phu, Tham tri Binh bộ kiêm chức phó Đô Ngự sử Viện Đô sát, Tuần vũ tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, đốc thúc quân lương và phân phối lương thưởng.

Năm 1882, ông bị tâu trình về việc “trong tỉnh bị bão lụt không kịp thời đích thân đến điều tệ” nên bị giáng xuống làm Viên ngoại. Nhân việc này, vài tháng sau ông xin về trí sĩ, mở lớp dạy học. Sĩ tử nhiều nơi nghe danh kéo đến xin học rất đông.

Phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi phát động lan nhanh ra Quảng Bình, Nghệ An, Phan Sĩ Thục động viên học trò tham gia, nhưng không tán thành chủ trương “sát tả” và cho rằng người theo đạo cũng là dân nước Việt. Để lương giáo chém giết lẫn nhau thì sức Cần Vương bị phân tán, lòng người chia rẽ không thể đánh Tây được.

Với uy tín của một nhà nho, ông ra sức che chở cho nhiều người dân hai xứ đạo Bàn Thạch, Lai Nhã tại quê nhà không bị văn thân tàn sát. Nhiều sách sử cũng chép: Năm 1886 niên hiệu Đồng Khánh, nhiều người nổi dậy chống lại triều đình, trong quận ấp bị cuộc binh lửa tàn phá. Có lần họ đi qua vùng Thục (Phan Sĩ Thục) ở, đều bảo nhau không xâm phạm đến. Vì thế làng xóm ấy được toàn vẹn.

Năm 1890, quan lại trong triều xin khôi phục hàm Quang lộc Tự thiếu khanh cho Phan Sĩ Thục. Vua Thành Thái ban chế khen Phan Sĩ Thục là người mẫn cán, gánh vác việc công, đạt nhiều thành tích, nêu cao gương sáng, đáng được lựa chọn ở chốn triều đình, thăng thụ cho là Triều liệt đại phu Quang lộc tự Thiếu khanh, cử làm Đốc học Nghệ An.

tien-si-phan-si-thuc-2.jpg
Bản rập văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi Kỷ Dậu (1849) - khoa Phan Sĩ Thục đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Giữ tiết tháo trong mọi hoàn cảnh

Sinh thời, Phan Sĩ Thục sáng tác khá nhiều văn thơ, song người ta chỉ còn thấy các trước tác, như: Câu trình thuật phú, Câu trình thi tập, Thù thế thi văn và bài “Tỳ bà tân thanh” (văn Nôm). Ông cũng là tác giả của câu đối nổi tiếng viếng phụ tử, huynh đệ Tổng đốc Nguyễn Tri Phương hi sinh khi giữ thành Hà Nội: “Nhất gia phụ tử huynh đệ/ Bách niên thành quách nhân dân”.

Đầu năm 1891, khi ở tuổi 69 ông xin nghỉ hưu nhưng quan tỉnh muốn lưu lại. Cuối năm ấy, Tiến sĩ Phan Sĩ Thục mất tại nhiệm sở. Các nguồn tư liệu, giai thoại và chuyện kể ở địa phương vẫn truyền nhau về sự thanh liêm, chính trực hiếm có của Phan Sĩ Thục. Từ lúc làm quan cho đến khi qua đời, ông và gia đình luôn sống trong sự thanh bần.

Sách “Đại Nam liệt truyện” chép rằng: “Sĩ Thục làm quan hơn bốn mươi năm trong cái nhà tranh vách đất, hũ gạo luôn bị rỗng không mà vẫn thản nhiên. Có người hỏi rằng: Làm quan mà vợ con đói rét, chẳng cũng là kiểu ư? Thục nhân thuật lại lời của ông cha rằng: Ở đời nên được nhân dân yêu, không nên làm cho nhân dân sợ, làm quan cần phải thanh liêm để không thẹn cái tiếng khoa bảng, chớ thấy nhà nghèo, bố mẹ già mà đổi tiết tháo. Vì vậy chung thân không dám sai lời”.

Tổng đốc Nghệ An lúc bấy giờ là Đào Tấn tâu lên triều đình: “Phan Sĩ Thục xuất thân khoa giáp lâu năm đã được triều trước đặc biệt chọn giữ chức Chánh sứ đi sứ nhà Thanh, đã được thăng qua các chức Tham tri, Tuần vũ giữ chức siêng năng, người có kiến thức, độ lượng, bình sinh thanh liêm cẩn thận, an tâm sống đói nghèo trong sạch, thân sĩ trong hạt đều khen là bậc mô phạm lão thành.

Ngày mất đồ khâm liệm không đủ, không có nhà để rước linh cữu về, tình cảnh rất đáng thương xót và tưởng nhớ. Xin triều đình gia ân truy thụ để tỏ lòng tưởng nhớ kẻ nho thần, khuyến khích sĩ tiết”. Nhà vua liền cấp cho tiền của đưa linh cữu về quê an táng và cho truy thụ hàm Quang lộc Tự khanh.

Là một thầy giáo, một vị quan Đốc học, Tiến sĩ Phan Sĩ Thục cũng nổi tiếng mẫu mực “giảng dạy học trò ăn mặc tới lui đều nghiêm theo lễ phép”. Sau khi ông mất, các học trò đã cùng nhau dựng nhà thờ để ghi ơn người thầy của mình.

Năm 1899, dân trong thôn và các hiền sĩ quê nhà đã ra tận Thanh Hóa mua đá dựng bia ghi công Phan Sĩ Thục. Họ lặn lội ra tận Hà Nam xin Tam nguyên Nguyễn Khuyến viết văn bia, được cụ Tam nguyên nhận lời, nay văn bia ấy vẫn còn nguyên vẹn.

Trong nhà thờ Tiến sĩ Phan Sĩ Thục, ngoài những hiện vật quý như thanh trường kiếm có ghi tên, các triện, con dấu, chiếc nón gỗ lúc đi sứ... còn có nhiều hoành phi, câu đối, thơ từ của các quan đồng triều, học trò ca ngợi thầy.

Ngoài ra còn có câu đối của sứ thần Triều Tiên, nhân sĩ Trung Hoa tặng Tiến sĩ Phan Sĩ Thục. Hoành liễn gian bên trái khắc dòng chữ Hán của một nhà nho Trung Hoa: “Học hữu kinh thuật thị chân danh sĩ/ Hoành vô hà vưu trực tỉ cổ nhân (Học có kinh luân đích thực danh sĩ/ Hành không sai sót sánh cùng người xưa).

Ở gian bên trái có câu: “Quốc điển gia phong bí nhưỡng truyền/ Gia khánh tích nguyên di tôn tử” (Sử nước ghi công rạng danh làng mạc/ Nếp nhà gìn giữ truyền lại cháu con).

Gian giữa nhà thờ treo bức hoành phi bốn chữ “Tiên ưu hậu lạc” (lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ). Câu này được rút ra từ câu “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” của Thừa tướng Phạm Trọng Yêm đời Bắc Tống nói về cốt cách của người quân tử. Hậu sinh mượn lời của người xưa để nói lên cốt cách của nhà nho chính trực Phan Dĩ Thục.

Ngày nay, cùng với đền Bạch Mã, đình Võ Liệt, nhà thờ Tiến sĩ Phan Sĩ Thục ở xã Võ Liệt không chỉ là điểm du lịch, mà còn như một địa chỉ học tập gương sáng tiền nhân. Tên của ông được chọn đặt cho một con đường tại thành phố Vinh (Nghệ An), và tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 4507/ QĐUB-VX công nhận nhà thờ Tiến sĩ Phan Sĩ Thục là di tích lịch sử - văn hoá. Nhà thờ là công trình ba gian, bốn vì bằng gỗ lim có diện tích 50m2 do các học trò xây cất vào năm Khải Định thứ 8 (1896) để tưởng nhớ thờ phụng người thầy.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tien-si-phan-si-thuc-quan-thanh-liem-giu-tron-tiet-thao-post726114.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tien-si-phan-si-thuc-quan-thanh-liem-giu-tron-tiet-thao-post726114.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiến sĩ Phan Sĩ Thục: Quan thanh liêm, giữ trọn tiết tháo