Tiếp nối nghĩa cử cao đẹp mùa thi

30/06/2023, 11:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, tình nguyện viên tại các điểm thi đã để lại nhiều hình ảnh đẹp, câu chuyện ấm áp cho phụ huynh và sĩ tử.

Không chỉ góp phần tạo nên thành công của kỳ thi, đây còn là dịp để mỗi sinh viên tình nguyện trải nghiệm thực tế, học hỏi nhiều điều về tinh thần vượt lên chính mình từ sĩ tử tóc hoa râm, thí sinh tai nạn trước kỳ thi, thậm chí mất người thân. Tất cả là hành trang, động lực để người trẻ thêm bản lĩnh và trưởng thành.

“Giữ” tương lai cho học trò

Thông tin từ Sở GD&ĐT Đà Nẵng, trưa 29/6, có 3 thí sinh của Điểm thi Trường THPT Cẩm Lệ bị tai nạn phải đi cấp cứu. Sau khi điều trị, các em được hỗ trợ đưa đến điểm thi và tiếp tục dự thi môn cuối - môn Ngoại ngữ. Ba thí sinh này được bố trí thi ở phòng dự phòng. Trong số này, có 1 em được cán bộ coi thi hỗ trợ ghi bài do bị gãy tay. Hội đồng thi đã cung cấp máy quay phim để ghi hình, ghi âm quá trình thí sinh làm bài.

Ngoài ra, tại Điểm thi Trường THPT Ngũ Hành Sơn, có 1 thí sinh bị ốm vào buổi thi môn Toán chiều ngày 28/6. Điểm thi đã nhanh chóng liên hệ ngành Y tế để đưa em đi cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng. Đồng thời Trưởng Điểm thi và Hiệu trưởng trường THPT nơi thí sinh theo học đã liên hệ gia đình thí sinh, thông báo tình hình và hướng dẫn làm hồ sơ xét đặc cách tốt nghiệp để thí sinh yên tâm điều trị.

Huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) là địa phương có đường biên giới với Campuchia. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, huyện có 792 thí sinh tham gia tại 3 điểm thi gồm: Trường THPT Đa Kia, THPT Đắk Ơ, Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu.

Ở xã Đắk Ơ, nơi có khoảng 40% học sinh là người dân tộc thiểu số, các lực lượng hỗ trợ kỳ thi đã dùng xe chuyên dụng đưa đón 1 thí sinh có hoàn cảnh rất đặc biệt. Theo đó, hai ngày trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, cha của em Lê Thị Xuân Phương, học sinh lớp 12C5, Trường THPT Đắk Ơ (xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) qua đời. Ngày thi cũng là ngày đưa cha về nơi an nghỉ cuối cùng. Nắm được thông tin, các lực lượng hỗ trợ mùa thi đến nhà động viên và dùng xe chuyên dụng đưa đón em đến điểm thi.

“Em rất cảm ơn anh Úy và nhóm taxi 0 đồng. Các anh nói không cần đền đáp, mà cố gắng thi tốt, sau này giúp đỡ mọi người là cách cảm ơn ý nghĩa nhất. Em sẽ ghi nhớ và quyết tâm thực hiện những điều mà mọi người nhắn nhủ”, Nguyễn Thị Huệ cho hay.

Anh Trần Văn Nhuận, Bí thư Đoàn xã Đắk Ơ đã cùng lãnh đạo UBND xã, Đoàn trường THPT Đắk Ơ cùng các ban ngành đoàn thể đến chia buồn cùng em Xuân Phương và gia đình; đồng thời động viên em cố gắng hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Nhà em cách điểm thi khoảng 6km nhưng đi lại rất khó khăn, phải băng qua rừng cao su. Những hôm trời mưa, đường đi càng khó khăn, trơn trượt và sình lầy. Vì thế, chúng tôi quyết định nhờ lực lượng cảnh sát giao thông dùng xe chuyên dụng đưa đón em đến điểm thi”, anh Nhuận cho biết.

Ngoài ra, khi hay tin chuyện gia đình em, một cô giáo đang làm nhiệm vụ ở Điểm thi Trường THPT Đắk Ơ đã đi cùng xe chuyên dụng đến thăm gia đình và hỗ trợ em số tiền 2 triệu đồng. Ngoài tiếp sức về phương tiện di chuyển cho em Phương, UBND xã Đắk Ơ và Đoàn xã đã hỗ trợ cho gia đình 1,5 triệu đồng. Được sự quan tâm kịp thời và chân thành của các lực lượng hỗ trợ kỳ thi, em Xuân Phương cho biết đã làm tốt bài thi. Điều này giúp em tiếp tục nuôi hy vọng đậu đại học và trở thành phiên dịch viên.

Tại Điểm thi Trường THCS - THPT Quyết Tiến, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) lần đầu tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng các thầy cô giáo đều đồng lòng, quyết tâm không để học sinh nào bỏ thi.

Thầy Bùi Văn Hưng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C cho biết: Toàn trường có 88 học sinh tham gia kỳ thi năm nay nhưng chỉ có 83 học sinh ở nội trú tại trường. 5 em do điều kiện hoàn cảnh khác nhau nên về nhà. Ngày thi đầu tiên, thầy Hưng liên hệ để nhắc nhở các em đến điểm thi đúng giờ. Khi gọi điện đến nhà em Giàng Thị Cơ Ni thì được gia đình thông báo là do trời mưa to, quãng đường đang thi công trơn trượt khó đi nên gia đình sẽ cho em nghỉ thi. Nghe thông tin, thầy Hưng không quản ngại trời mưa đến tận nhà đón Cơ Ni đi thi cho kịp giờ.

“Nghĩ đến tương lai của học trò, 12 năm đèn sách bị khép lại chỉ vì một cơn mưa thì không đáng. Mưa cũng chẳng thể làm cho thầy trò chùn bước. Tôi không đành lòng. Đoạn đường hơn 10km đến nhà Cơ Ni lúc đó với tôi dường như gần lắm”, thầy Hưng nhớ lại và thông tin: Sau buổi thi ngày 28/6, thầy cô đã sắp xếp để Cơ Ni ở tại trường để thuận tiện cho buổi thi cuối.

Tiếp nối nghĩa cử cao đẹp mùa thi ảnh 1

Nhà em Lê Thị Xuân Phương cách điểm thi khoảng 6km nhưng đi lại rất khó khăn, phải băng qua rừng cao su. Ảnh: TVN

Dấn thân và học hỏi

Hoạt động tiếp sức mùa thi đã giúp các sinh viên thêm trưởng thành hơn. Đặc biệt khi tham gia tiếp sức, điều các sinh viên nhận lại không chỉ có lời cảm ơn mà còn là kinh nghiệm thực tế, câu chuyện hay bài học quý báu về tình người.

Từng có kinh nghiệm 1 năm đi tiếp sức mùa thi, năm 2023, Trương Thanh Duy cùng nhiều sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) được phân công tiếp sức tại Điểm thi Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TPHCM). Cũng như năm trước, chàng sinh viên năm 3 xem việc giúp đỡ các thí sinh là cơ hội để rèn luyện, trải nghiệm và thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Đồng thời cũng là cách để nam tình nguyện viên trau dồi thêm kỹ năng, có thêm người bạn mới.

“Hoạt động đã giúp em nâng cao tri thức, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, từ đó hình thành phẩm chất tốt đẹp như yêu thương con người, chăm chỉ và trách nhiệm. Trong đó, đặc biệt trau dồi, rèn giũa tinh thần trách nhiệm với xã hội. Bởi, hoạt động tình nguyện luôn mang lại cho mỗi người những kỷ niệm vô cùng đáng quý, nhất là người trẻ như em”, Duy tâm sự.

Tiếp nối nghĩa cử cao đẹp mùa thi ảnh 2

Thầy Ngô Chiến Thắng động viên các học sinh ở trọ trước ngày thi.

Tương tự, Trần Ngọc Bảo Trân, Điểm trưởng Điểm Tiếp sức mùa thi tại Trường THCS Âu Lạc (quận Bình Tân, TPHCM) thấy vui vì đã đồng hành với thí sinh trải qua kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách. Cô sinh viên năm nhất Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mong rằng những tình cảm ấm áp của bản thân và sinh viên khác sẽ khiến mùa thi trở nên thân thiện, bớt căng thẳng, mệt mỏi.

Bảo Trân cho hay: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái, em là sĩ tử nên rất hồi hộp và lo lắng. Nhưng nhìn những anh chị sinh viên tham gia tiếp sức mùa thi với chiếc nón tai bèo, trên tay cầm chai nước đưa cho các em và trên môi lúc nào cũng nở nụ cười với câu nói “Cố gắng làm bài thật tốt các em nhé!”. Lúc đó em như được tiếp thêm “lửa” và nỗi sợ đối mặt với kỳ thi vơi bớt phần nào. Và những điều đó đã thôi thúc em nỗ lực làm bài thi thật tốt để bước vào giảng đường đại học, trở thành tình nguyện viên giúp các sĩ tử ở các kỳ thi sau”.

Tiếp nối nghĩa cử cao đẹp mùa thi ảnh 3

Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Văn Hiến che nắng cho thí sinh tại một hội đồng thi.

Lần đầu tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi”, Bảo Trân đã rèn luyện tinh thần đồng đội cũng như thực hiện khao khát khẳng định bản thân. Đồng thời nữ tình nguyện viên học hỏi thêm được nhiều điều quý giá hoạt động mang lại. Từ đó tiếp thêm động lực cho bản thân không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập và sống có trách nhiệm với cộng đồng sau này.

Bảo Trân tâm sự: “Trong kỳ thi năm nay, có nhiều thí sinh lớn tuổi. Đây thực sự là tấm gương vượt khó để em và các bạn học tập. Em ngưỡng mộ thí sinh tóc hoa râm tại Quận 7, sau 40 năm mới quay trở lại học tập và giờ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở tuổi 64. Bởi Kỳ thi tốt nghiệp THPT có áp lực và chương trình giáo dục thay đổi nhiều so với trước kia. Người càng lớn tuổi sẽ không nắm bắt nhanh như các bạn trẻ. Để bước tới kỳ thi này, chắc chắn cô đã trải qua những tháng ngày học tập ôn luyện rất vất vả. Đó chính là tấm gương về ý chí, quyết tâm trong học tập mà em và các bạn phải noi theo”.

Tiếp nối nghĩa cử cao đẹp mùa thi ảnh 4

Các sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi tại Điểm thi Trường THPT Phú Nhuận.

Tiếp nối câu chuyện đẹp

Kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, em Lô Hồng Nhung, Trường THPT Quế Phong (huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An) chưa về nhà ngay mà ở lại thêm một hôm để chào tạm biệt vợ chồng thầy giáo Ngô Chiến Thắng, cô Hồ Thị Thúy. Thầy cô đi coi thi tại huyện Nghĩa Đàn và đang trên đường trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Nhà của Lô Hồng Nhung ở xã Hạnh Dịch, cách thị trấn Kim Sơn gần 40km nên từ khi học tại Trường THPT Quế Phong, em phải ở trọ. Đó cũng là 3 năm em gắn bó với dãy trọ của thầy Ngô Chiến Thắng. “Nhiều lúc thầy cô nghiêm khắc, nhắc nhở chuyện vệ sinh, giờ học bài, không ham chơi… Nhưng chính vì thế mà em học được thêm nhiều điều, cố gắng phấn đấu học hết lớp 12”, Hồng Nhung nói.

Kể từ khi kết thúc năm học, Hồng Nhung và các bạn học sinh lớp 12 khác được thầy cô động viên ở lại trường ôn thi tốt nghiệp và miễn phí tiền phòng trọ. Thầy Thắng chia sẻ: “Hầu hết học sinh đều ở xa, hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ lại không thể đưa đón hằng ngày. Nhà tôi gần trường nên thuận lợi cho thí sinh đi lại trong quá trình diễn ra kỳ thi”.

Năm nay, vợ chồng thầy Thắng đều đi coi thi ở xa nên không hỗ trợ trực tiếp cho học sinh. Thay vào đó, thầy đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm cung cấp nước uống cho thí sinh. Trước khi kỳ thi diễn ra, thầy Thắng cùng vợ đi chợ, nấu cơm trưa, tối để các em đang ở trọ trong nhà có thời gian ôn tập.

Kết thúc kỳ thi cũng là lúc các em phải chia xa mái trường, tạm biệt thầy cô cùng dãy trọ để bước vào hành trình mới. Ngân Thị Nga (lớp 12A10, Trường THPT Quế Phong) xúc động nói: “Mấy ngày thi, dù đi làm nhiệm vụ ở xa nhưng thầy vẫn thường xuyên gọi điện về hỏi han, động viên. Mai này, không ở đây nữa, em rất nhớ nơi này và biết ơn những điều thầy cô dạy. Em sẽ luôn chăm chỉ, cố gắng trong cuộc sống và giúp đỡ những người khó khăn như thầy cô đã giúp đỡ chúng em trong suốt 3 năm qua”, Ngân Thị Nga nói.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nhiều học sinh khó khăn, không may gặp nạn được thầy cô, đội thanh niên tình nguyện giúp đỡ bữa ăn, nước uống miễn phí. Những em nhà xa được đội xe ôm, taxi 0 đồng hỗ trợ. Em Nguyễn Thị Huệ (Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách, huyện Thanh Chương, Nghệ An) sốt cao 39 độ, nhập viện ngay trước ngày thi. Nhận thông tin, anh Nguyễn Phùng Úy, Trưởng nhóm taxi 0 đồng đã đưa đón em miễn phí từ bệnh viện về nhà và từ nhà đến điểm thi. Nữ sinh chia sẻ, nhờ được đưa đón những ngày qua, em đã hoàn thành kỳ thi của mình.

“Có lúc em nghĩ đến việc dừng lại, từ bỏ ước mơ trở thành phiên dịch viên, vì còn 2 em nhỏ đang đi học, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Nhưng với sự động viên của mọi người, em sẽ cố gắng hoàn thành tốt các môn thi”, Lê Thị Xuân Phương cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp nối nghĩa cử cao đẹp mùa thi