Tiếp sức con em công nhân, người lao động vào năm học mới

06/08/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ thực tế một bộ phận công nhân, người lao động chịu nhiều áp lực khi thu nhập giảm, mất việc, nhiều địa phương đã đề xuất hỗ trợ học phí

Từ thực tế một bộ phận công nhân, người lao động chịu nhiều áp lực khi thu nhập giảm, mất việc, nhiều địa phương đã đề xuất hỗ trợ học phí cho học sinh. Những chính sách này được thực hiện, chắc chắn sẽ chia sẻ một phần khó khăn với nhiều gia đình trong việc chăm lo cho trẻ đến trường, đặc biệt khi năm học 2023 - 2024 đang cận kề.

Loay hoay lo cho con trước năm học mới

Bên cạnh đối mặt với nỗi lo thiếu việc làm, thu nhập giảm sút, nhiều gia đình công nhân, người lao động tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM… lại thêm trăn trở khi con bước vào năm học mới. Ngoài việc làm hồ sơ nhập học, nhiều nhà còn phải tính toán các khoản chi phí đóng đầu năm.

Chị Lương Thị C. (quê Hà Tĩnh, trú tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) chia sẻ, từ đầu năm 2023 đến nay, công việc may mặc của công ty không còn nhiều như trước, vì thế thu nhập của gia đình cũng giảm một phần. Chuẩn bị cho năm học mới, chị nhẩm tính tiền mua đồng phục, sách vở, đóng học của con trai đang học THCS và con gái học mầm non cũng tiêu tốn gần hết một tháng lương.

“Theo đề xuất về mức thu học phí năm học mới, mức thu ở thành thị là 300 nghìn đồng/học sinh mỗi tháng, với người dân khá giả thì không gặp nhiều khó khăn, nhưng với gia đình công nhân, người lao động nhập cư còn phải thuê trọ là cao.

Tôi nghĩ nên có chính sách, miễn giảm, hỗ trợ cụ thể với từng đối tượng người lao động trong bối cảnh khó khăn. Nếu giảm được một phần thì tôi và nhiều người khác cũng đỡ một phần vất vả, bởi bản thân không biết khi nào công việc ổn định trở lại”, chị C. nói.

Tương tự, chị Phạm Thị M., trú tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), công nhân tại công ty bông sợi trên địa bàn cho hay, do thiếu đơn hàng, nên công việc chị cũng giảm đi nhiều so với trước đây. Nhiều tháng không được tăng ca nên thu nhập giảm. Tình hình này kéo dài khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Đầu năm vừa rồi chồng chị phải đăng ký đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, để kiếm tiền trang trải cho gia đình và chăm lo 3 con ăn học.

Chị M. cho biết: “Mỗi tháng gia đình chi gần 5 triệu đồng để đóng các khoản tiền học cho các con. Trước đây nếu tăng ca có thêm thu nhập, gia đình không đối diện với nhiều khó khăn để lo cho con bước vào năm học mới. Thế nhưng nay công ty cũng gặp khó, thu nhập công nhân giảm theo, lại thêm trước đó phải vay một khoản tiền lớn cho chồng đi xuất khẩu lao động nên hàng tháng phải trả dần, kinh tế gia đình càng trở nên eo hẹp.

Năm học mới sắp cận kề nhưng tôi vẫn chưa sắm sửa được nhiều cho các con. Mong rằng địa phương sẽ có chính sách hỗ trợ con em công nhân để tôi và mọi người đỡ cực hơn”.

Tiếp sức con em công nhân, người lao động vào năm học mới ảnh 1
Học sinh Đồng Nai tham gia Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2023 - 2024.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Đồng hành với gia đình có hoàn cảnh khó khăn, công nhân, người lao động thu nhập thấp, nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí. Sự quan tâm kịp thời đó đã chia sẻ một phần khó khăn cho các bậc phụ huynh trong việc lo cho con đến trường.

Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VII đã thông qua nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập và ngoài công lập, giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn. Theo đó, địa phương này dự kiến chi hơn 568 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ học phí cho một số cấp học giai đoạn 2022 - 2025.

Cụ thể, trẻ 5 tuổi được hưởng hỗ trợ học phí từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2023 - 2024. Còn đối với học sinh THCS được hưởng từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2024 - 2025. Mức hỗ trợ là 100% mức thu học phí công lập theo quy định của HĐND tỉnh cho mỗi cấp học theo từng năm học.

Tại Đồng Nai, Sở GD&ĐT cũng dự kiến tham mưu UBND trình HĐND tỉnh mức thu học phí năm học 2023 - 2024 theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Theo đó, mức học phí áp dụng với mầm non, THCS và THPT chia làm 3 khu vực: Thành phố, nông thôn và miền núi. Riêng học sinh tiểu học được miễn học phí theo quy định từ lâu.

Theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai, ông Đỗ Đăng Bảo Linh, mức học phí đề xuất của tỉnh là mức sàn theo khung thu học phí tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, tuy nhiên, so với mức thu hiện hành thì tăng khá cao. Vì vậy, sở đã tham mưu trình HĐND tỉnh Đồng Nai về chế độ hỗ trợ học phí cho một số nhóm đặc thù ở các cấp học như: Học sinh khu vực miền núi; học sinh là con công nhân ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp; con em hộ gia đình bị bệnh hiểm nghèo; trẻ mồ côi cha hoặc mẹ…

Cũng theo ông Linh, nhóm được miễn giảm học phí vẫn đóng học phí theo mức hiện hành, phần chênh lệch tăng sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Chẳng hạn, khu vực thành thị, mức thu học phí cấp THPT con của công nhân khu công nghiệp ở TP Biên Hòa hiện hành là 120 nghìn đồng/tháng/em. Với mức thu học phí đề xuất mới là 300 nghìn đồng/tháng thì mỗi em vẫn chỉ đóng 120 nghìn đồng/tháng, phần chênh lệch 180 nghìn đồng sẽ được hỗ trợ.

Tương tự, ở khu vực nông thôn, học sinh là con em công nhân ở khu vực Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch… đóng theo mức thu hiện hành là 75 nghìn đồng/tháng, phần chênh lệch theo quy định mới sẽ được hỗ trợ.

“Theo thống kê sơ bộ, số lượng học sinh công lập mầm non, THCS, THPT thuộc diện hỗ trợ học phí chiếm khoảng 50% học sinh công lập toàn tỉnh. Dự kiến ngân sách cấp bù học phí mỗi năm từ 150 đến 160 tỷ đồng”, ông Linh cho hay.

Theo bà Trương Hải Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương, sở đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan nhằm tham mưu UBND trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn năm học 2023 - 2024. Bên cạnh đó, sở cũng lấy ý kiến về mức học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phù hợp với khả năng chi trả của người dân và cân đối ngân sách của địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp sức con em công nhân, người lao động vào năm học mới