Tiếp sức từ ban giám hiệu giúp giáo viên xử lý 'tình huống bức bách'

25/04/2024, 17:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong một số diễn đàn về giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên đang có quá nhiều áp lực, từ lo “chạy hết bài”, quản lý chất lượng, hồ sơ sổ sách.

Mỗi năm học, Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức sinh hoạt chuyên đề về công tác chủ nhiệm lớp. Trong đó, nhấn mạnh đến kỹ năng tư vấn, hỗ trợ học sinh. Trong vai người học, thông qua trò chơi nhóm, giáo viên làm công tác chủ nhiệm được nâng cao kỹ năng lắng nghe, biết đặt mình vào vị trí học sinh để hiểu được vấn đề, câu chuyện, tâm tư, tình cảm…

Trong nhiều diễn đàn về giáo dục, có ý kiến cho rằng, nếu thầy, cô giáo chịu khó dành chút thời gian tìm hiểu, lắng nghe tâm tư học sinh thì bức tranh học đường ít nhiều có sự thay đổi. Chính vì vậy, Ban giám hiệu Trường THCS Lê Thánh Tôn khuyến khích giáo viên chủ nhiệm trong giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt 15 phút đầu giờ dành thời gian thảo luận các vấn đề học sinh quan tâm, tổ chức trò chơi, cuộc thi nhỏ, cùng xem bộ phim ngắn nội dung phù hợp với tâm lý tuổi mới lớn…

Trong phòng hội đồng của Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) có tấm bảng lớn với 20 điều giáo viên cần thấu hiểu, trong đó, hướng tới nhấn mạnh yêu cầu giáo viên “Hãy kiềm chế, bình tĩnh, kiên trì và mềm mỏng”. Trong nỗ lực khác, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã phối hợp với Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng tổ chức tập huấn cho giáo viên những biện pháp ứng xử, gỡ rối những rối nhiễu tâm lý học sinh. Đây là cách giúp giáo viên và học sinh tránh được xung đột trong trường học.

Hè năm 2023, ngoài các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn chung theo kế hoạch của ngành, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) còn tổ chức khóa tập huấn cho toàn bộ giáo viên nhà trường với chủ đề “Giáo viên hạnh phúc – Kiến tạo tương lai”. Với 9 buổi học theo hình thức trực tuyến, khóa học tập trung vào 2 nội dung: Công tác giáo viên chủ nhiệm và Phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Nhân - giáo viên Trường THCS Trưng Vương cho biết: “Tham gia khóa học, chúng tôi biết được tại sao nghề giáo ngày càng vất vả, áp lực nhưng hiệu quả chưa cao và khám phá cách thức để khắc phục điều đó. Ngoài phương pháp dạy học tích cực, chúng tôi được trang bị kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, hành vi, lời nói, thái độ trong giao tiếp với học sinh để tránh xung đột không đáng có”.

Để làm bạn với học trò, kinh nghiệm của cô Nguyễn Thị Thúy Nguyệt - giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) là thường xuyên kết nối qua mạng xã hội. “Cái được lớn nhất là tình cảm thầy trò trở nên cởi mở, thân thiết hơn. Cô trò chúng tôi thường xuyên trò chuyện qua tin nhắn Zalo. Có nhiều chuyện ngại nói trực tiếp thì qua tin nhắn cô trò sẽ hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, để có thể làm bạn với các em, người thầy cần tâm lý, công bằng, không thiên vị và không phân biệt đối xử giữa học sinh”, cô Nguyệt chia sẻ.

Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng trao đổi: “Hành trình xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc cho người thầy không dễ và cần thời gian. Do đó, chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy, quản lý giáo dục thời gian qua phần nào giúp giáo viên giãn thời gian làm việc, tập trung vào công tác chuyên môn.

Đồng thời, các hoạt động trải nghiệm, dã ngoại được tổ chức thường xuyên tạo không gian kết nối tình cảm thầy trò, giúp người trong cuộc có thời gian trò chuyện, chia sẻ, thậm chí giải tỏa khúc mắc”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tiep-suc-tu-ban-giam-hieu-giup-giao-vien-xu-ly-tinh-huong-buc-bach-post680819.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tiep-suc-tu-ban-giam-hieu-giup-giao-vien-xu-ly-tinh-huong-buc-bach-post680819.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp sức từ ban giám hiệu giúp giáo viên xử lý 'tình huống bức bách'