TS Tạ Ngọc Trí nhấn mạnh, việc xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho học sinh khuyết tật là yêu cầu bắt buộc. |
Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT ngày 28/12/2022 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập quy định việc giáo dục trẻ khuyết tật theo phương thức giáo dục chuyên biệt cũng cần thực hiện theo kế hoạch giáo dục cá nhân. Trên cơ sở kế hoạch giáo dục cá nhân, học sinh được học theo nhu cầu và khả năng của chính em đó. Việc đánh giá học sinh khuyết tật được thực hiện theo các quy định hiện hành và trên cơ sở kế hoạch giáo dục cá nhân.
Hiện Quảng Trị đã xây dựng được Trường trẻ em khuyết tật và đang tổ chức tốt việc dạy và học cấp tiểu học cho học sinh khuyết tật. Đây là mô hình trường cho các cháu học tập, đảm bảo quyền được tham gia giáo dục bắt buộc cho học sinh khuyết tật. Tỉnh đang có định hướng tiếp tục phát triển để dạy THCS tại trường để tiến thêm một bước là thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở cho đối tượng học sinh khuyết tật. Đây là một chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn và mong muốn tỉnh sẽ sớm hoàn thành đề án này.
Lãnh đạo Vụ GDTH chuyển quà của Thứ trưởng Ngô Thị Minh động viên các học sinh tại Trường trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị. |
Về việc triển khai dạy học đối với học sinh khuyết tật, TS Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ GDTH nhấn mạnh: Hiện nay chưa có quy chế tổ chức hoạt động trường chuyên biệt. Nhưng trong thông tư 20 nêu rõ việc dạy học trong trung tâm theo phương thức giáo dục chuyên biệt. Do đó, nhà trường có thể triển khai chương trình GDPT 2018 theo phương thức giáo dục chuyên biệt tại trường.
Đặc biệt, cần phải xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho từng học sinh. Đã là học sinh khuyết tật theo quy định trong Thông tư 20 phải có kế hoạch giáo dục cá nhân và việc đánh giá học sinh cũng như các hồ sơ sổ sách liên quan được quy định áp dụng như các quy định hiện hành, tức là như các học sinh không khuyết tật khác.
“Xây dựng kế hoạch cá nhân cho học sinh khuyết tật là chương trình học tập của học sinh ấy trong năm học đó và dạy theo chương trình đó. Khi hoàn thành chương trình dạy học lớp 1, giáo viên và nhà trường xác nhận học sinh đã hoàn thành chương trình lớp 1 (theo kế hoạch giáo dục cá nhân). Cháu nào đạt được mức độ nào với các nội dung học tập đã xây dựng trong kế hoạch giáo dục cá nhân thì xác nhận theo mức độ đó cho các cháu. Học sinh khuyết tật có thể được công nhận danh hiệu học sinh xuất sắc nếu học sinh đó đạt được các tiêu chí như quy định đối với các nội dung học tập đã xây dựng trong kế hoạch giáo dục cá nhân.
Học sinh khuyết tật hoàn toàn có thể được khen thưởng mặc dù cháu học nội dung ít hơn hay “dễ hơn” các bạn cùng lớp. Khen thưởng đây là khen thưởng danh hiệu (ví dụ danh hiệu học sinh xuất sắc) đối với các nội dung mà cháu được yêu cầu học tập, chứ không phải là đầy đủ các nội dung học tập như các bạn học sinh không khuyết tật trong lớp”, TS Trí cho hay.
Lãnh đạo Ban chỉ đạo cũng đặt vấn đề, khi tuyển sinh đối với học sinh khuyết tật cần đánh giá khả năng của mỗi em. Môn nào các em học được, môn nào được miễn; nội dung nào trong chương trình môn học học sinh đó học được, nội dung nào không. Bên cạnh đó, xem xét rèn luyện cho học sinh những kỹ năng đặc thù để hỗ trợ các cháu sớm hòa nhập cuộc sống hoặc hòa nhập cộng đồng.
Ban chỉ đạo kêu gọi các đơn vị tặng quà đến học sinh. |
Công ty cổ phần dịch vụ và nền tảng tài chính kỹ thuật số TNEX tặng 20 triệu đồng đến học sinh khuyết tật Quảng Trị. |
Nhân dịp Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), TS. Tạ Ngọc Trí đã chuyển lời thăm hỏi động viên ân cần và chuyển quà của Thứ trưởng Ngô Thị Minh động viên các học sinh tại Trường trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị.
Ban chỉ đạo cũng đã kêu gọi và huy động một số đơn vị: Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam, Công ty cổ phần dịch vụ và nền tảng tài chính kỹ thuật số TNEX, Công ty Du lịch DHT Việt Nam tặng quà đến các học sinh Trường trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị.