Tìm giải pháp phù hợp dạy Lịch sử theo Chương trình mới

22/05/2023, 06:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm học 2022 - 2023, năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở THPT, trong đó Lịch sử là một trong những môn học bắt buộc.

Đổi mới tư duy, nhận thức phát triển chuyên môn

Chia sẻ về Chương trình môn Lịch sử, PGS.TS Phạm Văn Lực, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, cho biết: Môn Lịch sử ở THPT có cả phần bắt buộc và tự chọn. Với lớp 10, môn Lịch sử phần bắt buộc có 52 tiết. Bên cạnh kiến thức, chương trình mới dành 10% cho thực hành lịch sử. Theo đó, giáo viên tiến hành các hoạt động giáo dục lịch sử gắn với thực địa, tham quan di sản lịch sử, văn hóa…; tham quan bảo tàng, xem phim tài liệu lịch sử; tổ chức các câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, “Nhà sử học trẻ tuổi”…; tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử, các trò chơi lịch sử…

Do thay đổi chương trình nên phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng thay đổi, gắn với thực hành, thực tiễn. Giáo viên sẽ thông qua việc tổ chức các hoạt động dạy học đa dạng, giúp học sinh phát huy năng lực sáng tạo trong học tập lịch sử, trở thành “người đóng vai lịch sử” hay “người làm lịch sử” để khám phá, vận dụng sáng tạo kiến thức vào học tập và thực tiễn cuộc sống.

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn cho giáo viên Lịch sử trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, PGS.TS Phạm Văn Lực cho rằng, trước hết giáo viên phải tự đổi mới, tự học, tự rèn luyện và phát triển chuyên môn thường xuyên. Tự đổi mới cả trong tư duy và trong nhận thức phát triển chuyên môn.

Để làm được điều này, nhà giáo cần tích cực tham gia khóa tập huấn theo chương trình, kế hoạch của đơn vị quản lý giáo dục; hoặc chủ động tham gia seminar chuyên môn của các đơn vị đào tạo giáo viên; tham gia cộng đồng giáo viên đổi mới, sáng tạo trên các trang mạng xã hội để được chia sẻ, giao lưu, học hỏi kiến thức từ đồng nghiệp.

“Bản chất của phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực là lấy học sinh làm trung tâm. Học sinh phải tích cực, chủ động tìm tòi khám phá để tự mình chiếm lĩnh kiến thức trọng tâm của bài học; sau đó vận dụng kiến thức đó vào giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Còn giáo viên chỉ là người tổ chức, định hướng, gợi mở cho học sinh; trong đó có cả định hướng, gợi mở cho các em dựa vào trang thiết bị, đồ dùng dạy học (có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, Internet) để tìm tòi khám phá kiến thức mới của bài học. Vì thế, đồng thời với việc triển khai Chương trình GDPT 2018, tất yếu phải trang bị thêm thiết bị, đồ dùng dạy học để đáp ứng yêu cầu của quá trình dạy học lịch sử”, PGS.TS Phạm Văn Lực nhấn mạnh.

Để tăng cường chất lượng dạy học lịch sử theo chương trình mới, PGS.TS Phạm Văn Lực đồng thời lưu ý đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên để tăng tính thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, ngoài nguồn học liệu, cùng điều kiện khác, tất yếu phải có thiết bị, đồ dùng dạy học, giúp giáo viên thuận lợi khi dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tim-giai-phap-phu-hop-day-lich-su-theo-chuong-trinh-moi-post639491.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tim-giai-phap-phu-hop-day-lich-su-theo-chuong-trinh-moi-post639491.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm giải pháp phù hợp dạy Lịch sử theo Chương trình mới