Sự hợp tác của các doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục và hướng nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên...
Được hỗ trợ học bổng, tài trợ học phí, chuyên gia từ doanh nghiệp “cầm tay chỉ việc”, mở rộng cơ hội việc làm… là những lợi ích mà sinh viên được hưởng nhờ sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp.
Năm học 2023 - 2024, Trường Đại học Văn Hiến ký kết với gần 100 doanh nghiệp và duy trì thường xuyên mối quan hệ với hơn 500 doanh nghiệp trên tất cả lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Minh Đức - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh sự hợp tác của các doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục và hướng nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
“Nhà trường đã kết nối với doanh nghiệp đồng hành giải quyết 2.426 việc làm bán thời gian cho sinh viên và hơn 3.000 vị trí việc làm được giới thiệu, đảm bảo trên 94% người học có việc làm sau một năm tốt nghiệp và 100% sinh viên có môi trường thực tập, thực tế phù hợp ngành học”, PGS.TS Nguyễn Minh Đức nói và thông tin thêm, tính từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp cùng đồng hành với nhà trường đóng góp vào quỹ học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó với giá trị khoảng 2,3 tỷ đồng.
Đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp cũng là chiến lược phát triển mà Trường Đại học Gia Định kiên trì thực hiện nhiều năm liên tục. Thời điểm hiện tại, nhà trường ký kết hợp tác với hơn 400 tổ chức, doanh nghiệp, thuộc đa dạng lĩnh vực. TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, Trường Đại học Gia Định cho biết, thông qua mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp đã chung sức với nhà trường để tặng học bổng, giúp sinh viên giảm áp lực tài chính. Chẳng hạn, mới đây 100 doanh nghiệp là đối tác của Trường Đại học Gia Định tài trợ hơn 10 tỷ đồng cho sinh viên năm học 2024.
Tại Trường Đại học Công Thương TPHCM, năm 2021 nhà trường nhận được học bổng hỗ trợ từ các doanh nghiệp khoảng hơn 12 tỷ đồng, nhưng năm 2023 chỉ còn khoảng 10 tỷ đồng, năm nay chỉ tương đương năm ngoái. “Kinh tế khó khăn nên các nguồn tài trợ học phí cũng sụt giảm”, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nói.
Tương tự, mỗi năm các doanh nghiệp hỗ trợ cho Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) khoảng 4 - 5 tỷ đồng. Chia sẻ thông tin, ThS Hồ Đức Sinh - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Doanh nghiệp đồng thời cho biết, thông qua mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp, có khoảng 5.000 - 7.000 sinh viên HUTECH ra trường có việc làm đúng chuyên môn tại các doanh nghiệp.
TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM chia sẻ, liên kết với cựu sinh viên để cung cấp cơ hội thực tập và hướng nghiệp cho sinh viên là giải pháp mang lại hiệu quả tốt. Từ đây, các doanh nghiệp đã tham gia tài trợ học bổng học tập, nghiên cứu và khởi nghiệp cho sinh viên.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, tùy theo yêu cầu và mong muốn giữa các bên mà trường đại học và doanh nghiệp lựa chọn hình thức hợp tác như: Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, hỗ trợ sinh viên cơ hội thực tập, việc làm… Từ đó, doanh nghiệp có thể tư vấn, góp ý về chương trình đào tạo gắn với thực tiễn cũng như tiếp cận được nguồn sinh viên chất lượng.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TPHCM nhấn mạnh, liên kết giữa các trường và doanh nghiệp phải nâng “chất” hơn nữa bằng việc hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… chứ không chỉ dừng lại ở tài trợ học bổng.
Trong đó, hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học là kênh thu hút sự đầu tư nguồn lực từ xã hội cho nhà trường rất lớn. Một trường đại học có uy tín về nghiên cứu khoa học sẽ có lợi thế lớn để nhận được các khoản tài trợ, đầu tư cho nghiên cứu và thu hút nhân tài đến học tập, làm việc.
“Không phải ngẫu nhiên các bảng xếp hạng đại học uy tín hiện nay đều đặt trọng số cao nhất cho các chỉ số về nghiên cứu khoa học”, ông Hoàn nói và khẳng định, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hướng đến nền kinh tế tri thức vì nó thúc đẩy quá trình đổi mới, sáng tạo và chuyển giao công nghệ; góp phần gắn kết các hoạt động nghiên cứu với sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Tại Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, Phó Hiệu trưởng Trần Đình Lý cho hay, thời gian qua, các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại trường được triển khai rất tốt. Nhà trường có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ được chuyển giao, phát triển thương mại hóa tốt như linh chi, đông trùng hạ thảo, sâm Ngọc Linh... Một số sản phẩm đã có mặt trên siêu thị và các chuyến bay lớn của thế giới.
Nói thêm về kinh nghiệm để xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững, ông Trần Đình Lý cho biết, trường thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội thảo và mời cựu sinh viên thành công trong nhiều lĩnh vực về chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn; tổ chức thường niên ngày hội cựu sinh viên để tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu và hợp tác với thế hệ sau.
Bên cạnh đó, trường tạo các câu chuyện thành công - đó là các bài viết và video phỏng vấn cựu sinh viên thành đạt và chia sẻ trên website, mạng xã hội của trường; xuất bản các ấn phẩm tổng hợp câu chuyện thành công của cựu sinh viên…
“Trường cũng ký kết hợp đồng hợp tác nghiên cứu với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế mà cựu sinh viên đang làm việc. Đặc biệt, mỗi năm, trường tổ chức ngày hội việc làm và mời các công ty, tổ chức do cựu sinh viên điều hành hoặc làm việc tham gia để tạo kết nối bền vững”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM nói thêm.
“Trường có nhiều cán bộ, giảng viên làm chuyên gia cho doanh nghiệp (về mặt kỹ thuật, quản lý…), hoặc làm dự án cho các doanh nghiệp, tỉnh/thành… Trường không cản trở, thậm chí còn tạo điều kiện như không thu % nào từ các khoản kinh phí gửi về trường, tạo động lực cho thầy cô “kết nối” với doanh nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TPHCM nói.