Tín hiệu tích cực trong triển khai sách giáo khoa mới ở Phú Thọ

31/08/2023, 10:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm học 2023 - 2024, các trường Tiểu học và THCS thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4 và lớp 8.

Sau 3 năm triển khai sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình GDPT 2018, mặc dù còn nhiều khó khăn, song các trường Tiểu học, THCS tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện chương trình nghiêm túc, đảm bảo đúng lộ trình, mục đích, yêu cầu, bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Vượt qua khó khăn

Chia sẻ về việc triển khai SGK theo Chương trình GDPT 2018, cô giáo Nguyễn Thị Hoa Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Giáp, huyện Phù Ninh cho hay, sau khi có chương trình thay SGK, Ban giám hiệu đã chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở đảm bảo mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt theo Chương trình, SGK theo Chương trình GDPT 2018 tại nhà trường.

Tất cả giáo viên tham gia giảng dạy lớp 1, 2, 3 đều hoàn thành chương trình tập huấn về Chương trình GDPT 2018 và SGK các lớp đã được lựa chọn giảng dạy cho các năm học. 100% học sinh được học 2 buổi/ngày; thời lượng đúng quy định theo Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học;…

Bên cạnh những thuận lợi, cô giáo Nguyễn Thị Hoa Huệ cũng chỉ ra những khó khăn khi nhà trường thực hiện thay SGK theo Chương trình GDPT 2018 đó là, nhà trường thiếu định mức giáo viên trên lớp so với quy định. Việc tự học, tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học của một số giáo viên còn hạn chế. Do đó, việc thực hiện song song hai chương trình GDPT 2006 và GDPT 2018 cũng gây khó khăn cho nhà trường trong việc nghiên cứu, tổ chức giảng dạy;…

Cô giáo Đỗ Thanh Hà - Hiệu trưởng trường THCS Hạ Giáp, huyện Phù Ninh cũng chia sẻ, trong 3 năm học triển khai thực hiện thay SGK theo Chương trình GDPT 2018, nhà trường thiếu giáo viên theo cơ cấu bộ môn nên việc phân công chuyên môn, tổ chức dạy học còn gặp những khó khăn nhất định.

Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên các thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện việc thực hiện thay SGK theo Chương trình GDPT 2018 chưa đảm bảo và đồng bộ. Vì vậy, nhà trường phải khắc phục bằng cách dạy thiết bị ảo thông qua máy chiếu hoặc tivi…

Tín hiệu tích cực trong triển khai sách giáo khoa mới ở Phú Thọ ảnh 1
Giờ học của cô và trò Trường THCS Hạ Giáp.

Chỉ ra những khó khăn trong công tác thực hiện thay SGK trên địa bàn, ông Bùi Tuấn Long - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh cho rằng: 3 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục huyện Phù Ninh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như đội ngũ giáo viên còn thiếu về định mức giáo viên/lớp so với quy định và cơ cấu giáo viên bộ môn ở một số đơn vị. Từ đó ảnh hưởng đến việc phân công chuyên môn của nhà trường và tổ chức dạy học của giáo viên.

Một số trường cơ sở vật chất, phòng học bộ môn, phòng chức năng còn thiếu, trang thiết bị trong các phòng học chưa đồng bộ. Nguồn kinh phí chi cho các hoạt động giáo dục, mua sắm trang, thiết bị phục vụ dạy học của các nhà trường hạn hẹp, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đổi mới chương trình, SGK…

Ngành Giáo dục huyện Phù Ninh cũng khẳng định, dù còn nhiều khó khăn nhưng các đơn vị giáo dục trên địa bàn đã thực hiện chương trình nghiêm túc, đảm bảo đúng lộ trình, mục đích, yêu cầu, bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Sẵn sàng cho năm học mới

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh Bùi Tuấn Long nhận định: Năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục huyện Phù Ninh tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình GDPT 2018 như: Bố trí, sắp xếp đội ngũ, cố gắng đảm bảo số lượng và cơ cấu bộ môn đảm bảo việc giảng dạy của các nhà trường. Tiếp tục đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các nhà trường.

Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo về triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học, các văn bản chỉ đạo về thực hiện Chương trình GDPT 2018. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán Chương trình GDPT 2018 trong công tác tập huấn các module , hỗ trợ đồng nghiệp trong các hoạt động chuyên môn;…

Để triển khai thực hiện thay SGK lớp 8 theo chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả, tại trường THCS Hạ Giáp, nhà trường thực hiện đồng bộ các giải pháp như 100% CBQL, GV tham gia đầy đủ các lớp tập huấn thay SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức. Qua đó, nắm được những quan điểm, nội dung đổi mới trong mỗi bộ SGK. Từ đó mỗi giáo viên tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn cho bản thân mình, đồng thời thực hiện tốt quan điểm đổi mới trong từng bộ môn mà mình phụ trách trong mỗi bài học sẽ thực hiện trong năm học.

“Nhà trường tập trung bồi dưỡng đội ngũ, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn hàng tháng, hàng kỳ. Tập trung mọi nguồn lực tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, mua bổ sung các thiết bị còn thiếu hoặc thiết bị thay thế phục vụ cho nhu cầu dạy và học. Tích cực tuyên truyền để cha mẹ học sinh hiểu về việc từ đó ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần để nhà trường thực hiện tốt việc thay SGK theo chương trình mới đạt hiệu quả cao...”, cô giáo Đỗ Thanh Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Hạ Giáp khẳng định.

Để lựa chọn bộ SGK lớp 8 phù hợp với nhà trường, từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023 Ban giám hiệu Trường THCS Hạ Giáp đã chỉ đạo cho 100% CBQL, GV tìm hiểu các bộ sách mềm lớp 8 trên trang taphuan của Bộ GD&ĐT đối với các bộ sách của bộ môn mình phụ trách. Ghi chép lại những điểm mới, điểm nổi bật trong từng cuốn sách cũng như những thay đổi trong nội dung từng bài học. Tháng 3/2023 nhà trường đã cho giáo viên tự viết bản nhận xét, đánh giá và lựa chọn bộ sách phù hợp với bộ môn mình phụ trách. Sau quá trình nghiên cứu, giáo viên, các tổ chuyên môn, nhà trường đã thống nhất lựa chọn 1 bộ SGK lớp 8 - bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” đối với tất cả các môn học.

Tín hiệu tích cực trong triển khai sách giáo khoa mới ở Phú Thọ ảnh 2
Giáo viên Trường Tiểu học Hạ Giáp tập huấn, bồi dưỡng SGK, thiết bị giáo dục theo Chương trình GDPT 2018.

Còn tại Trường Tiểu học Hạ Giáp, nhà trường đã tìm hiểu, lựa chọn và tập huấn sử dụng SGK lớp 4, năm học 2023 – 2024 cho giáo viên. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn 1 đầu SGK thuộc danh mục được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Để giáo viên có thể hiểu biết rõ ràng và chính xác về chương trình, về việc sử dụng SGK lớp 4 năm học 2023 – 2024, từ ngày 5 - 9/6/2023, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Hạ Giáp đã tham gia tập huấn trực tuyến giáo viên sử dụng SGK lớp 4. Sau buổi tập huấn, nhà trường và mỗi giáo viên đã có cái nhìn tổng quan về chương trình SGK lớp 4 cũng như điểm mới, tính ưu việt của môn học. Ngoài ra, các giáo viên còn nắm rõ những phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy năng lực cho học sinh. Đặc biệt chi tiết khi được phân tích video bài dạy minh họa, hướng dẫn cách tổ chức dạy học một số bài học, một số hoạt động đặc trưng.

Sẵn sàng cho năm học mới, cán bộ, giáo viên các nhà trường tại huyện Phù Ninh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để phụ huynh hiểu rõ về sự cần thiết thực hiện Chương trình GDPT 2018. Thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo quy định của Chương trình GDPT mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, từ đó giáo viên có thêm điều kiện để quan tâm đến học sinh và đổi mới phương pháp dạy học.

Bài liên quan
Viết văn theo Chương trình GDPT 2018: Những thay đổi không thể bỏ qua
Đối với chương trình Ngữ văn 2018, việc dạy viết không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt cho từng kiểu bài cụ thể...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tín hiệu tích cực trong triển khai sách giáo khoa mới ở Phú Thọ