Âu cũng là quy luật tự nhiên bởi các trường sư phạm vẫn được coi là những “cỗ máy cái” đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Theo logic, có đội ngũ thầy, cô giáo giỏi, tận tâm, yêu nghề thì nền giáo dục mới phát triển, đất nước mới phồn thịnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dù có cơ chế, chính sách đãi ngộ đến đâu, “mở cửa” và “kích cầu” như thế nào thì thương hiệu về chất lượng đào tạo mới tạo nên sức hút của các trường sư phạm. Đây mới là yếu tố căn cơ và mang tính bền vững.
Ai cũng hiểu, muốn nâng cao chất lượng đầu vào, nói cách khác muốn có nhiều người giỏi theo học sư phạm, đòi hỏi các trường phải không ngừng cải tiến về mọi mặt. Trong đó, cần có chiến lược, chính sách rõ ràng để đầu tư, phát triển đội ngũ giảng viên. Đồng thời, đổi mới, phát triển chương trình đào tạo qua tiếp cận với các chương trình giáo dục của những nước tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Lẽ dĩ nhiên, chất lượng của các trường sư phạm có vai trò rất lớn trong việc quyết định chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Thầy giỏi trò mới giỏi. Song, bản thân mỗi sinh viên sư phạm phải có tình yêu với giáo dục, coi nghề giáo là hình mẫu để học tập và rèn luyện phẩm chất, đạo đức để trở thành giáo viên tốt, vững vàng nghề nghiệp.