Các bị can (từ trái qua phải): Nguyễn Lộc An, Trần Trác Việt Đức, Đỗ Thị Tuyết Nga.
Ngày 21/9, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đang điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty cổ phần Thương mại, Tư vấn, Đầu tư, Xây dựng Bách Khoa Việt (Công ty Bách Khoa Việt) và các đơn vị có liên quan.
Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Bộ Công thương, Công ty Bách Khoa Việt và các đơn vị liên quan; đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 người.
3 người bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Nguyễn Lộc An (SN 1965) Chuyên viên Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) về tội Nhận hối lộ.
Trần Trác Việt Đức (SN 1990) Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt và Đỗ Thị Tuyết Nga (SN 1979) Kế toán trưởng Công ty Bách Khoa Việt, cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Tìm ra độc tố có trong bánh mì Phượng làm gần 150 người bị ngộ độc
Tất cả bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng đã xuất viện. Ảnh: TN
Chiều 21/9, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Mai Văn Mười cho biết, Viện Pasteur Nha Trang vừa thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm liên quan đến vụ gần 150 người ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng tại TP Hội An.
Kết quả kiểm nghiệm thể hiện, trong mẫu chả heo phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE và HBL.
Mẫu rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo, phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE; mẫu xíu mại phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE; thịt heo xíu mại phát hiện Salmonella.
Vi khuẩn Bacillus cereus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, xếp sau Salmonella. Khuẩn Bacillus cereus từng gây ra nhiều vụ ngộ độc trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Ông Mười cho biết thêm, đến nay tất cả ca bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng đã xuất viện.
BHYT chi trả hơn 1 tỉ đồng cho một học sinh ở TP HCM
Cả nước có 18,8 triệu HSSV tham gia BHYT
BHXH Việt Nam cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, cơ quan này đã chi trả khám chữa bệnh BHYT cho học sinh, sinh viên (HSSV) khoảng 2.174 tỉ đồng với hơn 5,2 triệu lượt khám chữa bệnh (KCB).
Trước đó, thống kê năm 2022 cho thấy, cả nước có khoảng 3,5 triệu HSSV đi KCB BHYT với gần 7,4 triệu lượt. Số tiền được quỹ BHYT chi trả là 3.142 tỉ đồng.
Một số trường hợp HSSV được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn (trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023) như sau:
Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất là 1,07 tỉ đồng (trong năm 2022) sinh năm 2006 (ở TP HCM) với chẩn đoán bệnh chính là "bệnh của hốc mắt, viêm cơ tim cấp, di chứng tổn thương nội sọ".
Một trường hợp khác cũng được quỹ BHYT chi trả 1,04 tỉ đồng (trong đó năm 2022 được chi trả 0,66 tỉ đồng, 8 tháng đầu năm 2023 được chi trả 0,38 tỉ đồng) sinh năm 2014 (ở Hà Nội) chẩn đoán bệnh chính là "gan xơ hóa, viêm đường mật, teo đường mật…".