Theo các quan chức Mỹ và phương Tây, các cuộc tập trận do quân đội Mỹ, Anh và Ukraine tiến hành đã tính đến kịch bản tổn thất nhưng cũng xác định rằng Kiev phải chấp nhận các thương vong đó như tổn phí cần thiết để xuyên thủng phòng tuyến chính của Nga.
Tuy nhiên, Ukraine sau đó lựa chọn giảm tổn thất trên chiến trường bằng cách chuyển sang áp dụng chiến thuật sử dụng các đơn vị nhỏ hơn để đánh vào nhiều khu vực khác nhau của mặt trận. Kết quả là Ukraine đạt được một số thắng lợi nhỏ ở các điểm khác nhau của trận tuyến trong mùa hè này.
Kiev gần đây đã đưa thêm lực lượng dự bị ra tiền tuyến, trong số đó có các đơn vị thiết giáp Stryker và xe tăng Challenger, nhưng vẫn chưa đột phá được tuyến phòng ngự chính của Nga.
Rob Lee - nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (Mỹ) nhận định: Hành trình tới Melitopol thực sự là một thử thách lớn, ngay cả việc tái chiếm các thành phố gần hơn như Tokmak cũng khó khăn.
Ông Lee nói: “Nga có 3 phòng tuyến chính ở đó, rồi còn cả những thành phố được củng cố vững chắc như pháo đài phía sau phòng tuyến. Vấn đề không phải là Ukraine có chọc thủng được một hoặc hai phòng tuyến mà là liệu họ có khả năng xuyên thủng toàn bộ cả ba phòng tuyến hay không, và sau khi bị tiêu hao nhiều, họ còn có đủ nguồn lực để đánh chiếm các mục tiêu đáng kể như Tokmak và hơn thế nữa hay không”.
Giới chức Mỹ phản đối các chỉ trích cho rằng máy bay chiến đấu F-16 và các hệ thống tên lửa tầm xa như ATACMS sẽ mang lại được kết quả khác. Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói: “Vấn đề vẫn là phải xuyên thủng được phòng tuyến chính của Nga. Không có bằng chứng nào cho thấy các hệ thống vũ khí hiện đại nói trên là phương thuốc trị được bách bệnh”.
Trong một cuộc phỏng vấn trong tuần này, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark A. Milley cho rằng Mỹ nắm rõ nhiệm vụ khó khăn mà Ukraine đang phải đối mặt.
Tướng Milley nói với tờ Washington Post: “Cách đây hai tháng tôi đã nói rằng cuộc tiến công nay sẽ kéo dài, đẫm máu và chậm chạp. Và bây giờ mọi thứ diễn ra đúng như vậy. Đây là cuộc chiến đấu rất rất khó khăn”.
Các quan chức Mỹ nói rằng Lầu Năm Góc đã khuyến nghị nhiều lần rằng Ukraine nên tập trung một lượng lớn binh lực vào một điểm đột phá riêng lẻ. Tuy nhiên sau đó Kiev lựa chọn chiến lược khác do mức độ thương vong lớn của binh sĩ Ukraine trên chiến trường.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 17/8 thừa nhận đà tiến chậm chạp của chiến dịch phản công của nước này. Tuy nhiên, ông Kuleba cũng nói rằng Kiev sẽ không ngừng chiến đấu chừng nào chưa tái chiếm được lãnh thổ. Vị ngoại trưởng nói với hãng tin AFP: “Chúng tôi không quan tâm việc phản công sẽ kéo dài bao lâu”.
Giới phân tích cho rằng các thách thức mà Ukraine đối mặt là mang tính đa diện nhưng gần như tất cả các chuyên gia đều nhất trí rằng Nga vượt xa những gì được mong đợi khi nói đến độ hiệu quả của họ trong phòng thủ những khu vực do họ chiếm giữ.
Lưu ý cách Nga sử dụng chiến hào, mìn và không quân, chuyên gia Lee đánh giá: “Nhân tố quyết định nhất cho đà tiến của cuộc tấn công này là chất lượng phòng thủ của Nga. Họ có nhiều thời gian và họ chuẩn bị rất tốt, khiến Ukraine rất khó tiến lên”.
Hiện một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Biden quan ngại rằng việc Ukraine dồn nhiều sức cho chiến trường miền Đông có thể đã làm xói mòn hiệu quả của cuộc phản công ở miền Nam.
Đánh giá tình báo mới nói trên thống nhất với một dự báo mật của Mỹ hồi tháng 2/2023, trong đó người ta chỉ ra rằng các yếu kém về thiết bị và lực lượng có thể đồng nghĩa với việc cuộc phản công sẽ thất bại trước khi Ukraine kịp cắt đứt cầu đất nối với Crimea vào tháng 8 này. Bản đánh giá nhận diện Melitopol hoặc Mariupol như các mục tiêu “ngăn Nga tiếp cận Crimea qua đường bộ”.
Một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng có thể Ukraine gạt bỏ các thông lệ lịch sử và tiếp tục cuộc phản công đến cả mùa đông, khi mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn, từ việc giữ ấm cho binh sĩ cho đến chuẩn bị lương thực và đạn dược. Trong khi đó, quan chức này nói tiếp, “Nga nổi tiếng có khả năng tác chiến tốt trong thời tiết lạnh giá”.