Vụ Ecuador: Quyền miễn trừ của cơ quan ngoại giao và quyền tị nạn chính trị, ưu tiên quyền nào?
Xét trường hợp giữa Ecuador và Mexico, chuyên gia cho rằng mặc dù vụ việc này ít nghiêm trọng hơn vì không gây thiệt hại về nhân mạng, nhưng lại phức tạp hơn do phải xét nhiều yếu tố pháp lý khác.
Cảnh sát Ecuador đưa cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas đến nhà tù sau khi bắt ông này tại Đại sứ quán Mexico ở Ecuador hôm 5-4. Ảnh: AFP
Tâm điểm của cuộc tranh cãi là cựu Phó Tổng thống Glas - người đã ngồi tù 4 năm sau khi bị kết án năm 2017 về tội tham nhũng. Sau khi ra tù, ông này tiếp tục bị truy nã vì nhiều cáo buộc.
Tháng 12-2023, ông Glas xin tị nạn ở Mexico và tạm thời trú ẩn tại Đại sứ quán Mexico. Mexico đã chấp nhận yêu cầu và cũng đã thông báo cho chính phủ Ecuador về vấn đề này.
Giải thích cho việc cử cảnh sát đột kích Đại sứ quán Mexico, Ecuador cho rằng ông Glas không thể được tị nạn chính trị vì ông này đang đối mặt các cáo buộc trọng tội và Mexico đã lạm dụng quyền miễn trừ ngoại giao khiến Ecuador không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cử cảnh sát tiến vào đại sứ quán.
Lập luận của Ecuador dẫn đến việc xem xét hai cơ sở pháp lý. Thứ nhất, đó là Công ước của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ về Quyền tị nạn năm 1954. Theo đó, tị nạn chính trị không thể được cấp cho những người đang dính cáo buộc trọng tội trừ khi những cáo buộc này có tính chất chính trị. Và yếu tố có “tính chất chính trị” hay không do nước cấp tị nạn quyết định.
Thứ hai là Điều 21 của Công ước Vienna, trong đó quy định rằng các cơ quan đại diện ngoại giao được hưởng đầy đủ quyền miễn trừ và quyền ngoại giao, nghĩa là chính phủ sở tại không có quyền vào đại sứ quán nếu không có sự cho phép của người đứng đầu đại sứ quán.
Theo ông Heine, cả hai cơ sở pháp lý này đều cần được tôn trọng. Như vậy, nếu chính phủ Ecuador coi ông Glas không đủ điều kiện để xin tị nạn chính trị, họ có thể không cấp lối đi an toàn dành cho người tị nạn và ngăn chặn việc ông này rời khỏi đất nước thay vì đột kích vào đại sứ quán.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng bất kể tình huống xin tị nạn chính trị nào, việc xông vào đại sứ quán là hành vi cố ý vi phạm các chuẩn mực ngoại giao.
Ông Heine cho rằng việc Ecuador vi phạm công ước Vienna có nguy cơ tạo ra một tiền lệ mà các chính phủ khác làm theo, làm suy yếu các cơ cấu ngoại giao, nhất là ở khu vực có truyền thống xin tị nạn chính trị như Mỹ Latinh.
Không được thờ ơ trước sự xâm phạm cơ quan ngoại giao Ông Heine cho rằng thái độ "tương đối thoải mái" của cộng đồng quốc đối với hai vụ xâm phạm gần đây phản ánh sự thất bại trong việc thấu hiểu hậu quả của việc xói mòn các quy tắc về quyền miễn trừ ngoại giao. “Khi những thách thức toàn cầu gia tăng, các đại sứ quán trở nên quan trọng hơn. Nếu hai câu chuyện gần đây cho thấy bảo vệ đại sứ quán chỉ là thứ yếu so với bất cứ điều gì có lợi về mặt chính trị, thì việc này sẽ gây bất lợi lớn cho khả năng quản lý quan hệ quốc tế. Ngoại giao sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều” - ông Heine nhận định. |