Nhiều địa phương đã ưu tiên cho ngành GD trong thực hiện tinh giản biên chế để phù hợp với đặc thù ngành, đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp...
Tình trạng thiếu giáo viên ở các tỉnh Tây Bắc đang là “bài toán khó” chưa có lời giải. Có địa phương mới được bổ sung biên chế và tích cực tuyển dụng nhưng chưa khỏa lấp được khoảng trống thiếu giáo viên, đặc biệt ở vùng cao. Trước tình trạng đó, một số nơi kiến nghị không thực hiện tinh giản biên chế ngành Giáo dục để đảm bảo tỷ lệ giáo viên đứng lớp.
Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Ngành Giáo dục thành phố hiện sử dụng chỉ tiêu biên chế của ngành Y tế. Trong tương lai, khi thực hiện lộ trình giảm biên chế nhưng vẫn phải đảm bảo định mức giáo viên/lớp, thành phố Đà Nẵng đã bố trí dự phòng ngân sách để hợp đồng giáo viên đảm bảo số lượng theo yêu cầu của quá trình triển khai Chương trình – sách giáo khoa mới.
Theo đó, năm học 2024 – 2025, Đà Nẵng hợp đồng 723 giáo viên theo Nghị định số 111/2022 của Chính phủ để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp tại các trường công lập. Trước đó, năm học 2023 – 2024, Đà Nẵng có 537 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng theo diện này.
Tính đến 7/2024, đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành GD-ĐT tỉnh Lào Cai có 16.735 người, không tính các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Trong đó, có 1.484 cán bộ quản lý và 13.666 giáo viên. Toàn tỉnh thiếu 627 giáo viên so với biên chế được giao (mầm non 95; tiểu học 208; THCS 209; THPT 115).
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Lào Cai đã quyết liệt thực hiện sắp xếp mạng lưới trường, lớp; giảm lớp, học sinh ở điểm trường lẻ, tăng học sinh ở trường chính; tăng số học sinh/lớp. Cùng đó, thực hiện tốt phong trào trường giúp trường, phòng giúp phòng; biệt phái, tăng cường giáo viên.
“Trước thực trạng số lượng học sinh tăng, giáo viên thiếu, chúng tôi mong muốn không thực hiện cắt giảm biên chế hằng năm theo lộ trình đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên công lập để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy theo quy định”, bà Dương Bích Nguyệt - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai bày tỏ.
Tại Điện Biên, dù quy mô giáo dục ngày càng phát triển, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp tăng, yêu cầu về chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo ngày càng cao, song hằng năm số biên chế công chức hành chính và người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp ngành Giáo dục vẫn phải thực hiện cắt giảm theo lộ trình. Điều đó gây khó khăn cho ngành trong công tác bố trí, sử dụng đội ngũ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả công việc. Trong khi đó, nguồn tuyển dụng giáo viên một số bộ môn như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật… khan hiếm.
Theo chỉ tiêu tinh giản 10% giai đoạn 2021 – 2026, ngành GD-ĐT Điện Biên thực hiện cắt giảm số lượng biên chế công chức, viên chức trung bình 2,5%/năm (tương đương hơn 300 người làm việc/năm). Đến nay, toàn ngành thiếu hơn 2.000 giáo viên so với định biên.
Trước tình hình đó, ngành GD-ĐT Điện Biên đề nghị cơ sở giáo dục tạo điều kiện cử giáo viên chưa đạt chuẩn tham gia đào tạo đạt chuẩn đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Chọn cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn, văn bằng thứ hai, liên thông… để góp phần khắc phục bài toán thiếu giáo viên hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho hay: “Chúng tôi tiếp tục đề nghị các cấp thẩm quyền giao bổ sung số lượng người làm việc theo Quyết định số 72 năm 2022 của Bộ Chính trị cho tỉnh Điện Biên. Đồng thời, đề nghị không cắt giảm cơ học số lượng người làm việc để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế”.
Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai thiếu 4.259 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trước tình trạng này, UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT quan tâm, xem xét giao bổ sung cho địa phương số giáo viên, nhân viên còn thiếu nhằm khắc phục tình trạng thiếu đội ngũ và thực hiện tốt công tác giảng dạy năm học 2024 - 2025. Cùng đó, xem xét không thực hiện tinh giản 10% số biên chế viên chức được bổ sung năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024.
Theo ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, những năm gần đây, các địa phương ưu tiên dành chỉ tiêu để thực hiện tuyển dụng giáo viên môn học mới trong Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, hầu hết địa phương không tuyển đủ chỉ tiêu do có rất ít thí sinh tham gia dự tuyển.
Riêng năm học 2023 - 2024, các cơ quan, địa phương tỉnh Gia Lai tuyển dụng 1.778 chỉ tiêu biên chế giáo viên. Thế nhưng tính đến ngày 15/5/2024, qua thống kê có 341 chỉ tiêu không có hồ sơ dự tuyển. Lý do, Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS, THPT là cử nhân hoặc ứng viên có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên trên thực tế, chuyên ngành mầm non, tiểu học có nhiều người chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định.
Không những vậy, một số ngành học như Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Công nghệ có cơ hội tìm kiếm việc làm khác với mức thu nhập cao hơn nên nhiều người không tham gia dự tuyển làm viên chức giáo viên. Ngoài ra, việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn tích hợp, như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lí, Tổng phụ trách Đội…) vẫn thiếu nguồn, các trường sư phạm chưa đào tạo hoặc nếu có thì số sinh viên ra trường không đáp ứng đủ cho nhu cầu thực tế. Ngoài ra, số cán bộ, giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác thường xuyên biến động dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn thêm trầm trọng.
Những năm gần đây, vì thiếu biên chế giáo viên, tỉnh Gia Lai nỗ lực sắp xếp trường, lớp, thu hẹp nhiều điểm trường. Bên cạnh đó không tuyển dụng nhân viên trường học mà ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, vì tỉnh có nhiều đơn vị hành chính, địa hình đi lại khó khăn, mật độ dân số thấp… nên dù nỗ lực sắp xếp mạng lưới trường, lớp, thu gọn nhiều điểm trường nhưng khi sắp xếp sĩ số học sinh/lớp ở các đơn vị này thấp hơn so với tỷ lệ học sinh/vùng.
Trên thực tế, để xử lý tình trạng “có học sinh đến lớp, phải có giáo viên đứng lớp” tại Gia Lai sẽ xảy ra trường hợp số lượng viên chức giáo viên được giao vượt định mức vì không đủ tỷ lệ học sinh theo quy định.
Chia sẻ thông tin, ông Lê Duy Định – Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết thêm, hiện địa phương tuyển dụng được 1.244 giáo viên, cùng với 1.905 chỉ tiêu biên chế giáo viên được Trung ương giao thêm nên năm học 2024 - 2025 cơ bản đảm bảo giáo viên.
“Dự kiến, tháng 9/2024 địa phương nhận hồ sơ tuyển dụng giáo viên và đầu quý I/2025 sẽ có kết quả. Do đó, trong thời gian chờ tuyển dụng, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai sẽ hợp đồng giáo viên hoặc bố trí thầy, cô dạy liên trường, liên cấp nhằm đảm bảo đủ giáo viên năm học mới”, ông Định nói.
Từ thực tế địa phương, ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cũng nêu đề nghị không cắt giảm biên chế của ngành GD-ĐT 2%/năm để đảm bảo tỷ lệ giáo viên đứng lớp. Mặt khác, tiếp tục giao bổ sung biên chế đảm bảo định mức số lượng người làm việc theo quy định.
Bà Trần Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) thông tin: “Để thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình, hằng năm, phòng GD&ĐT sẽ đối chiếu với tổng chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao so với giáo viên hiện có, kết hợp số liệu các trường học thống kế số cán bộ, giáo viên, nhân viên đến tuổi nghỉ hưu để có sự tính toán phù hợp. Thông thường, số người lao động trong biên chế đến tuổi nghỉ hưu được tính vào số lượng mà ngành GD-ĐT thực hiện giảm biên chế”.
Để đảm bảo đủ tỷ lệ giáo viên/học sinh, trong trường hợp số lượng đội ngũ còn thiếu so với biên chế được giao, Phòng GD&ĐT Điện Bàn sẽ phối hợp với phòng Nội vụ để tuyển dụng thêm dựa trên nhu cầu giáo viên tính theo số học sinh, lớp của các trường học. Trong trường hợp nhu cầu giáo viên vượt so với chỉ tiêu biên chế được giao, hiệu trưởng các trường được hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp.
Theo lộ trình, ngành Giáo dục huyện Phong Thổ (Lai Châu) tiến hành cắt giảm biên chế 2% mỗi năm, tương đương 30 giáo viên. Tuy nhiên đến nay, tỉnh chưa có kế hoạch cắt giảm biên chế ngành Giáo dục.
“Cùng đó, chúng tôi vừa được giao bổ sung 51 biên chế. Huyện đã có phương án tuyển dụng giáo viên với 84 chỉ tiêu. Dự kiến, số lượng tuyển dụng đối với cấp mầm non (23 chỉ tiêu) có đủ nguồn tuyển. Các bộ môn của cấp tiểu học và THCS nguồn tuyển không đảm bảo”, ông Khổng Văn Thiện - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ (Lai Châu) chia sẻ và thông tin:
Thời gian tới, huyện tiếp tục sắp xếp, dồn dịch các điểm trường để đảm bảo công tác giảng dạy. Phòng GD&ĐT cũng tham mưu với UBND huyện ban hành thông báo hợp đồng giáo viên, dự kiến hơn 130 chỉ tiêu, vào đầu năm học mới. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho giáo viên dạy liên trường các bộ môn còn thiếu. Đối với môn Tiếng Anh tiếp tục dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Ông Nguyễn Minh Anh - Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết, ngành Giáo dục huyện chưa thực hiện giảm biên chế theo lộ trình. “Hiện ngành chưa sử dụng hết số chỉ tiêu biên chế được giao vì không tuyển đủ giáo viên theo nhu cầu. Như năm 2024, biên chế được giao của ngành Giáo dục Sơn Tây là 609 chỉ tiêu, nhưng hiện mới chỉ sử dụng 529 biên chế. Trong số 78 biên chế còn thiếu so với nhu cầu, ngành đề xuất tuyển dụng 34 chỉ tiêu, số còn lại dùng để dự trữ nhằm tiếp nhận lượng sinh viên cử tuyển, nếu có”.
Ngành Giáo dục Sơn Tây sẽ tuyển dụng 15 giáo viên mầm non, 5 giáo viên tiểu học và 14 giáo viên cấp THCS cho năm học 2024 - 2025. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Anh, nhiều vị trí việc làm không đủ hồ sơ dự tuyển so với nhu cầu. Tình trạng này lặp đi lặp lại trong nhiều năm, nhất là với giáo viên các bộ môn Tin học, Mỹ thuật, Tổng phụ trách và giáo viên mầm non.
Đơn cử như năm 2023, huyện Sơn Tây thông báo tuyển dụng 16 giáo viên mầm non nhưng chỉ có 10 hồ sơ dự tuyển. Trong số này, có 8 thí sinh trúng tuyển. Riêng vị trí việc làm giáo viên môn Tin học, Sơn Tây có 4 chỉ tiêu cấp tiểu học và 2 chỉ tiêu cấp THCS nhưng trắng hồ sơ. Chỉ tiêu tuyển dụng đối với giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật cũng không có ứng viên dự tuyển. Đặc thù đội ngũ giáo viên của huyện là đều trẻ về tuổi nghề. Số giáo viên lớn tuổi hầu hết xin chuyển về đồng bằng hoặc nghỉ hưu trước tuổi.
Tại Bình Định, từ năm 2015 đến nay, tổng chỉ tiêu biên chế của tỉnh vẫn đảm bảo tinh giản 10% theo lộ trình, riêng ngành Giáo dục không giảm chỉ tiêu nào. “Ngành Giáo dục không thể thu hẹp biên chế, bởi số lượng học sinh đều tăng qua các năm. Do vậy, với giáo dục đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét về vấn đề biên chế, nhất là với giáo viên trực tiếp đứng lớp. Có quan tâm vậy thì hệ thống chính sách và quyền lợi giáo viên mới mang tính lâu dài”, ông Trịnh Xuân Long - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bình Định kiến nghị.
Kết thúc năm học 2023 - 2024, hầu hết địa phương vẫn thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Tình trạng này chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.
Cụ thể, tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn trong cùng một cấp học, giữa vùng miền có điều kiện kinh tế khác nhau; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ.
Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung hơn 27.800 biên chế cho năm học 2023 - 2024. Trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng được trên 19.400 giáo viên.
Bộ GD&ĐT cũng trình Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018, từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo chương trình mới.
Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 nêu rõ:
Phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định; nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn.
Đổi mới quản lý Nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng.
Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, chuyên môn học thuật, đề cao đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo.