Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã quyết định phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trong đó có 2 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn thi do thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại; giảm 2 môn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện tại.
Chuẩn bị nhiều phương thức
Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT là để xét tốt nghiệp cho học sinh hoàn thành bậc phổ thông. Việc đánh giá quá trình học mới quan trọng chứ không nhất thiết phải thi hết các môn.
TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết hiện nay, Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng như nhiều trường ĐH khác đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển trong đó phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chiếm tỉ lệ xét tuyển nhất định. Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 không còn đáp ứng việc sử dụng kết quả để tuyển sinh ĐH thì các trường vẫn còn nhiều phương thức xét tuyển phù hợp khác.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp - Trường ĐH Hùng Vương TP HCM, cho biết khi Bộ GD-ĐT đưa ra phương án kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, các trường ĐH, CĐ sư phạm đã chuẩn bị các phương án để tuyển các thí sinh phù hợp với các ngành nghề tuyển sinh 2025. Chuyện còn lại là vấn đề kỹ thuật giữa các bên liên quan.
TS Tô Văn Phương, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Nha Trang, cho biết việc thay đổi môn thi khiến các trường thay đổi phương thức xét tuyển, các tổ hợp môn sẽ được cấu trúc lại, điều chỉnh lại tỉ trọng xét của các phương thức, theo hướng tăng tỉ trọng điểm đánh giá năng lực. Các trường sẽ rà soát và cập nhật lại chương trinh giáo dục đại cương/tổng quát của chương trình đào tạo các ngành để thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thạc sĩ Phùng Quán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), cùng quan điểm rằng trong giai đoạn hiện nay, Bộ GD-ĐT sử dụng phương án 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, đây là phương án hợp lý với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc tuyển sinh ĐH hiện nay sử dụng rất đa dạng các phương thức xét tuyển nên sẽ không ảnh hưởng khi kỳ thi tốt nghiệp THPT thay đổi. Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, các trường ĐH sẽ tính toán lại các phương án tuyển sinh cho phù hợp.
Giảm tổ hợp xét tuyển
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, nhận định việc thi ít môn buộc các trường ĐH sẽ phải điều chỉnh theo hướng giảm tổ hợp xét tuyển. Xét tuyển ĐH theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm tổ hợp xét tuyển, giảm chỉ tiêu bằng phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công Thương TP HCM, nhìn nhận khi kỳ thi chỉ còn 4 môn không ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển vào các trường ĐH. Các trường ĐH sẽ có cách khác để xét tuyển vào ĐH, ví dụ như đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM, xét học bạ THPT và kết hợp với bài thi đánh giá năng lực của trường... nhiều cách khác nhau để xét tuyển sinh vào ĐH. Kết quả thi tốt nghiệp THPT, nếu có thể sẽ xét tuyển vào ĐH các khối ngành, ví dụ như khối ngành du lịch cho các thí sinh thi tốt nghiệp THPT môn thuộc tự chọn khối xã hội; kinh tế sẽ xét tuyển các thí sinh thi tốt nghiệp THPT các môn học tự chọn thuộc khối tự nhiên hay xã hội; kỹ thuật và công nghệ thì xét tuyển sinh theo các môn thi tốt nghiệp THPT theo hướng tự nhiên…
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết thống kê năm 2023 có khoảng 20 phương thức xét tuyển ĐH. Theo đó, phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi THPT và các phương thức kết hợp với kết quả này sẽ ảnh hưởng nhiều hơn, nhất là sự đa dạng của các tổ hợp. Một số tổ hợp trước đây có thể không còn và nhường chỗ cho các môn mới. Đơn cử, một số các tổ hợp với môn thi khoa học xã hội, khoa học tự nhiên được thay bởi tin học, công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật…
Cần thay đổi cách đánh giá
Đại diện các trường cho rằng mặc dù có nhiều phương thức xét tuyển mới, nhưng những năm qua các phương thức truyền thống vẫn chiếm ưu thế. Song, tình hình có thể thay đổi với phương án 2025 khi các trường đại học chú trọng xây dựng quy trình tuyển sinh đại học phản ánh đúng năng lực và phẩm chất của học sinh. Cần có sự khác biệt trong việc đánh giá học sinh xuất sắc, thông qua phỏng vấn, bài luận, dự án cá nhân, chứng chỉ quốc tế và hoạt động ngoại khóa.
"Xu hướng kết hợp các hình thức xét tuyển sẽ là lựa chọn phù hợp, hướng thay đổi tập trung đáp ứng đúng nhu cầu của học sinh trong thời đại mới" - ông Cao Quảng Tư nhận định.