Tổ chức hoạt động trải nghiệm đòi hỏi 'chất' riêng mỗi trường

Đức Trí | 19/09/2022, 10:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để hoạt động trải nghiệm đạt hiệu quả mong muốn đòi hỏi cách tổ chức phù hợp, sáng tạo.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo quan trọng và cần thiết giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống, hình thành và phát triển phẩm chất năng lực, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn... Tuy nhiên, để đạt hiệu quả mong muốn đòi hỏi cách tổ chức phù hợp, sáng tạo.

Đổi mới hoạt động trải nghiệm

Hoạt động trải nghiệm không chỉ giúp hình thành kiến thức mới mà quan trọng hơn sẽ tạo cho trẻ niềm say mê tìm hiểu, thích khám phá và biết cách lĩnh hội những kiến thức mới, hình thành kỹ năng mới. - Cô Trần Thị Hợi

Các trường học dù khó khăn hay thuận lợi đều tổ chức hoạt động trải nghiệm nhằm hướng tới giáo dục toàn diện cho học sinh. Bên cạnh hình thức trải nghiệm mang tính phổ biến, nhiều trường đã không ngừng sáng tạo để phát huy tối đa ý nghĩa giáo dục trải nghiệm.

Tại Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội), ngoài tiết dạy học trải nghiệm được giáo viên sưu tầm âm thanh, hình ảnh, thông tin… để trình chiếu lên màn hình cho học sinh thảo luận, nhận xét, đóng kịch… còn tổ chức một số hoạt động trải nghiệm ngoài lớp học như trồng cây, quan sát cây xanh, khung cảnh trường học (diễn ra trong 1 tiết học).

Gần đây trường tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm ý nghĩa, gắn với thực tế cuộc sống học trò. Cô Nguyễn Thị Lan Phương, giáo viên lớp 1 chia sẻ: Nhằm giáo dục vấn đề “An toàn giao thông”, trường không dừng lại ở hình thức mời chuyên gia, lực lượng an ninh… trao đổi trực tiếp với học sinh trong các tiết sinh hoạt mà giáo viên còn đưa trò đi bộ qua một số con phố.

Với khoảng cách di chuyển không xa nhưng quá trình tham gia giao thông trên đường, giáo viên có thể chỉ ra những kiến thức kỹ năng cơ bản cho học trò như: Đi bên phải; Đi bộ trên vỉa hè; Nhận biết tín hiệu giao thông (đèn xanh, đỏ, vàng); kỹ năng sang đường an toàn…

Gần đây nhất, nhân dịp Trung thu, giáo viên đã đưa học sinh lớp 4, lớp 5 tham quan phố Hàng Mã (nơi chuyên bán đồ chơi dịp Tết Trung thu tại Hà Nội) để cảm nhận không khí, tìm hiểu đồ chơi và văn hóa truyền thống. Với học sinh lớp 1, 2, 3, do còn nhỏ nên chỉ trải nghiệm làm mâm cỗ Trung thu, bánh nướng, bánh dẻo, tô vẽ mặt nạ, làm đèn ông sao…

Hoạt động trải nghiệm được nhà trường chuyển dần sang các vấn đề gần gũi, thiết thực, ý nghĩa với học sinh. Mặt khác, hình thức giáo dục trải nghiệm cũng được lựa chọn phù hợp nhất, dễ triển khai, tránh lãng phí.

Thuộc vùng nông thôn nên hoạt động trải nghiệm được Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình) hướng tới các vấn đề thiết thực, phù hợp tâm lý, tiếp nhận của học trò.

Cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài dạy học trải nghiệm theo nội dung sách giáo khoa (từ lớp 1 - 3), mỗi tháng trường tổ chức 1 buổi học trải nghiệm theo các chủ đề (Trung thu; Phòng chống đuối nước; An toàn giao thông; Ngày 20/11; 22/12; Phòng cháy chữa cháy...). Các hoạt động được tổ chức trực tiếp trong nhà trường với hình thức mời chuyên gia trao đổi, hướng dẫn và thực hành các kỹ năng cơ bản.

Đối với hoạt động trải nghiệm, trường luôn gắn liền với lý thuyết môn học. Ví như chủ đề nghề nghiệp, sẽ tổ chức cho học sinh tham quan xưởng may dân dụng; làng nghề sản xuất chiếu cói truyền thống; tham quan vườn hoa cây cảnh… Quá trình tham quan, trải nghiệm, trẻ có thể nhận biết yêu cầu cần thiết của nghề, hình thành nhận thức, ý thức nghề nghiệp…

Đối với học sinh mầm non, đặc biệt ở thành phố thì hoạt động trải nghiệm diễn ra tương đối giống nhau trong khâu tổ chức với hoạt động chủ yếu như đưa học sinh tham quan khu nông trại, vui chơi ở trung tâm thành phố… Tuy nhiên, với mong muốn tìm cách tổ chức hoạt động trải nghiệm mang “chất” riêng, cô Nguyễn Thị Cẩm Linh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, tháng 10, trường sẽ tổ chức lễ hội “Lá”. Đây là hoạt động gắn với thiên nhiên, vừa giúp học sinh tìm hiểu khoa học (phân biệt các loại lá; chơi trò thổi lá khô, lá tươi tìm ra nguyên lý; tô vẽ màu cho lá) vừa gìn giữ các trò chơi văn hóa truyền thống qua tạo hình trâu, nghé ọ, kèn, thuyền, bè nổi… từ lá cây.

Tổ chức hoạt động trải nghiệm đòi hỏi 'chất' riêng mỗi trường ảnh 1

Học sinh Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Ninh Bình) trải nghiệm hoạt động phòng chống đuối nước. Ảnh: NTCC

Phát huy hiệu quả

Ở cấp tiểu học, hoạt động trải nghiệm tập trung vào khám phá, rèn luyện bản thân, phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp với lứa tuổi.

Do đó, theo cô Trần Thị Hợi, quá trình tổ chức cần dựa trên mối quan hệ của học sinh với xã hội, tự nhiên và nghề nghiệp. Mặt khác, nội dung hoạt động trải nghiệm cần được tổ chức phân chia theo giai đoạn (giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp) để phù hợp hiệu quả.

“Các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường được tổ chức đã giúp học sinh nắm bắt kiến thức, kỹ năng nhanh chóng, sinh động; biết thêm ngành nghề truyền thống tại địa phương. Việc di chuyển của học sinh trong khoảng cách gần, không gây mệt mỏi, tốn kém… nên được học sinh và phụ huynh hào hứng, ủng hộ. Hoạt động trải nghiệm để đạt hiệu quả, nhà trường luôn quan tâm đến sự phù hợp, thiết thực…”, cô Hợi trao đổi.

Tại Trường Mầm non Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội), với quan điểm hoạt động trải nghiệm giúp trẻ sử dụng tổng hợp các giác quan (nghe, nhìn, chạm, ngửi, nếm, làm thí nghiệm...), có thể tăng khả năng ghi nhớ và thực hành.

Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cẩm Linh, khi trẻ được chủ động tham gia vào quá trình hoạt động sẽ có hứng thú và chú ý hơn đến những điều được tiếp cận. Các em cũng có thể học kỹ năng sống bằng việc lặp đi lặp lại hành vi qua các bài tập, hoạt động. Do đó, trường luôn nỗ lực dạy học gắn với hoạt động trải nghiệm, từ đó giúp trẻ có khả năng kết nối kiến thức, kỹ năng với thực tiễn phong phú, sinh động mà các em đã và sẽ trải qua trong cuộc sống.

Theo cô Nguyễn Thị Cẩm Linh, ngày hội “Lá” đảm bảo phù hợp với mọi lứa tuổi trẻ mầm non. Tất cả trẻ đều có thể tham gia và tích lũy kiến thức, kỹ năng một cách nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Đặc biệt, do gắn với thiên nhiên, nguyên liệu đơn giản dễ tìm kiếm nên hoạt động không thu kinh phí tổ chức, tham dự của gia đình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổ chức hoạt động trải nghiệm đòi hỏi 'chất' riêng mỗi trường