Bị cáo Lê thừa nhận cuối năm 2016 là Trưởng Công an quận Tây Hồ và phụ trách chung tại đơn vị. Tuy nhiên, bị cáo không còn nhớ rõ những diễn biến sự việc đêm 22/9/2016. Bị cáo Lê phủ nhận lời khai của nhân chứng Phùng Văn Bảy và đề nghị cơ quan điều tra thu thập lịch trực hôm đó vì bị cáo không thể nhớ rõ mình có trực hay không?
Cựu đại tá Công an quận Tây Hồ cho hay, ông Bảy không đưa tiền và cũng không nhờ ông Lê việc gì vào đêm 22/9. Bị cáo Lê khai rằng không rõ Tài là ai, chỉ biết thông qua một số phương tiện thông tin đại chúng.
Đến khoảng 19h30 tối 20/4, sau một ngày xét xử, HĐXX cấp phúc thẩm đã nghị án và đưa ra phán quyết đối với bị cáo Lê.
HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến trật tự trị an, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các cơ quan tiến hành tố tụng nên cần xử phạt nghiêm khắc. Khi xét xử phúc thẩm, HĐXX đã cân nhắc xem xét đầy đủ các chứng cứ, tình tiết giảm nhẹ mà phía gia đình cung cấp, HĐXX ghi nhận đó là tình tiết mới.
Tuy nhiên, mức hình phạt 7 năm 6 tháng tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên là phù hợp. Trong phiên tòa, bị cáo không cung cấp thêm các chứng cứ mới liên quan đến nội dung vụ án nên HĐXX cấp phúc thẩm quyết định bác kháng cáo của bị cáo Lê, giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên 7 năm 6 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc bị cáo phải nộp lại số tiền 110 triệu đồng.
Theo bản án sơ thẩm, sau khi Nguyễn Hữu Tài ra đầu thú rồi bị tạm giữ vào khuya 22/9/2016 do liên quan vụ cướp, người thân của Tài đã nhờ ông Phùng Văn Bảy (chú họ của bị cáo Lê) gặp Lê để giúp đỡ Tài không bị xử lý hình sự. Khi gặp chú họ, cựu đại tá Phùng Anh Lê đề nghị phải đưa 110 triệu đồng để cho Tài và phía bị hại hòa giải. Sau đó, người thân của Tài chuẩn bị tiền rồi chuyển cho ông Bảy để người trung gian này đưa cho ông Lê. Nhận được tiền, bị cáo Lê yêu cầu các thuộc cấp Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc mang hồ sơ vụ việc liên quan Nguyễn Hữu Tài đến để xem. Đêm 22/9/2016, Bị cáo Lê chỉ đạo cấp dưới đến nhà tạm giữ đưa Tài ra ngoài, cho viết cam đoan rồi thả về. |