Tháp Canton từng giữ kỷ lục sở hữu đài quan sát ở độ cao cao nhất thế giới trong 3 năm cho tới khi bị tháp Burj Khalifa (Dubai) và tháp Thượng Hải (Trung Quốc) soán ngôi. Tòa tháp còn có trò chơi mạo hiểm mang tên Sky Drop. Du khách sẽ rơi tự do 30m, bắt đầu từ độ cao 485m. Đây là điểm rơi tự do thẳng đứng cao nhất thế giới.
Phần thắt lưng của tòa tháp có một cầu thang xoắn ốc tên “Spider Walk”. Với 1.096 bậc thang, dài khoảng 1000m, đây là cầu thang cao nhất thế giới. Toàn bộ sàn nhà đều trong suốt để thử thách lòng can đảm và mang đến cho du khách trải nghiệm mạo hiểm tuyệt vời. Điểm bắt đầu ở tầng 33 và điểm kết thúc ở tầng 62. Để đi hết cầu thang bộ này, phải mất tới 40 phút đến 1 giờ đồng hồ.
Cầu thang xoắn ốc cao nhất thế giới
Thiết kế độc lạ, được ví như "siêu mẫu"
Điểm đặc trưng nhất của tháp Canton là thiết kế xoắn mềm mại, thắt nút ở giữa và phình ra ở 2 đầu. Chính vì vậy tháp truyền hình này được ví von là một "nàng siêu mẫu" với “phần eo” thon thả. Người thiết kế tòa tháp cho biết ông đã lấy cảm hứng từ vòng eo của Tiểu Mạn, một mỹ nữ nổi tiếng trong thời nhà Đường của Trung Quốc.
Thiết kế “chiết eo” của tháp Canton
Trong khi hầu hết các tòa nhà chọc trời đều có hình trụ, thẳng đứng, mang cảm giác chắc chắn mạnh mẽ thì kiến trúc sư xây dựng tháp Canton lại muốn tạo ra một hình ảnh mềm mại đối lập. Do đó, tháp truyền hình Quảng Châu mang tới cảm giác thanh mảnh, nhẹ nhàng. Phần hẹp nhất của tháp ở tầng 66 có đường kính chỉ 30 m.
Tháp Canton sáng đèn lung linh nhiều màu vào mỗi tối
Mỗi ngày sau khi mặt trời lặn, tháp Canton sẽ được chiếu sáng từ dưới lên trên, đảm bảo tháp có thể nhìn thấy rõ trên đường chân trời của Quảng Châu cả ngày lẫn đêm. Tòa tháp được chiếu sáng thông qua hệ thống đèn LED được tích hợp vào thân tháp, ánh sáng có thể điều khiển được và cho phép thay đổi màu sắc cũng như hình ảnh động trên toàn bộ tòa tháp.
Cột ăng-ten được điều khiển bởi một mạch khóa, thay đổi màu theo các ngày trong tuần. Người dân địa phương sẽ biết hôm nay là thứ mấy khi nhìn thấy ánh sáng từ cột ăng-ten.
Theo Toutiao, Archdaily