Toàn cảnh khu vực sẽ được xây cầu hơn 6.300 tỷ, kết nối trung tâm cũ và trung tâm mới của Hải Phòng
Bài và ảnh: Ngọc Đẹp•12/05/2024 09:56
Dự án xây dựng cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm có tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng. Cầu Nguyễn Trãi sẽ dài khoảng 1,45 km nối quận Ngô Quyền với huyện Thủy Nguyên, nơi đặt trung tâm hành chính mới của thành phố.
Dự án xây dựng cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm nối quận Ngô Quyền với huyện Thủy Nguyên có tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố Hải Phòng.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án xây dựng cầu Nguyễn Trãi sẽ được khởi công trong năm 2023. Tuy nhiên, do những khó khăn liên quan đến bố trí vốn ngân sách, mặt bằng phục vụ thi công, phương án thiết kế… thành phố Hải Phòng quyết định dời thời gian khởi công dự án sang quý 2 năm 2024.
Theo thiết kế, cầu Nguyễn Trãi sẽ có chiều dài khoảng 1,45 km. Cầu chính dự kiến có kết cấu dây văng kết hợp dây võng một mặt phẳng dây. Chiều dài khoảng 500 m. Trong ảnh là phối cảnh cầu Nguyễn Trãi.
Cầu Nguyễn Trãi có trụ tháp dạng kim cương. Mặt cắt ngang cầu rộng 26,5 m gồm 4 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 nhánh cầu xuống đường Lê Thánh Tông. Vận tốc cầu chính là 80 km/h. Như trong ảnh cầu Nguyễn Trãi sẽ đi qua cảng Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Trãi.
Đường Nguyễn Trãi cũng sẽ được mở rộng từ 18 m hiện tại lên 41,5 m. Trong đó, mặt cắt của đường dẫn cầu Nguyễn Trãi rộng 23,5 m; lòng đường gom hai bên cầu đoạn có tường chắn và dưới gầm cầu rộng 7,5 m, vỉa hè hai bên đường một m và bố trí dải cây leo trang trí dọc tường chắn hai bên 0,5 m.
Để phục vụ Dự án xây dựng cầu Nguyễn Trãi, thành phố Hải Phòng dành hơn 1.550 tỷ đồng trong tổng số vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng thực hiện dự án cho công tác giải phóng mặt bằng. Tổng diện tích đất thu hồi phục vụ dự án là gần 55 ha liên quan đến các tổ chức và hộ dân thuộc phường Máy Tơ và Máy Chai, quận Ngô Quyền. Trong đó, diện tích của các tổ chức, doanh nghiệp chiếm hơn 80% diện tích thu hồi, bao gồm cả việc di dời cảng Hoàng Diệu.
Cảng Hoàng Diệu nằm bên bờ sông Cấm, được xây dựng từ năm 1874. Đây là cảng chính của Hải Phòng đồng thời là cảng quan trọng và lớn nhất trong hệ thống cảng biển phía bắc cho đến cuối thế kỷ 20. Sau 150 năm hoạt động, cảng Hoàng Diệu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử.
Cầu Nguyễn Trãi sẽ có sứ mệnh là trục kết nối khu đô thị hiện hữu với khu đô thị mới bắc sông Cấm và các khu công nghiệp như: VSIP, Phà Rừng, Minh Đức, Đình Vũ… Trong ảnh là cầu Nguyễn Trãi phía huyện Thủy Nguyên.
Cùng với đó, cầu Nguyễn Trãi giúp rút ngắn cự ly vận chuyển hàng hóa tới Cảng hàng không quốc tế Cát Bi cũng như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; giúp việc di chuyển đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 10, quốc lộ 18… trở lên dễ dàng hơn.
Thành phố Hải Phòng cũng kỳ vọng cầu Nguyễn Trãi, cùng với 3 cây cầu đã hoàn thành trước đó, gồm: cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Kiền, cầu Bính, sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện giao thông thuận lợi đối với huyện Thủy Nguyên. Đây là huyện dự kiến sẽ trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng vào năm 2025. Trong ảnh là vị trí cầu Nguyễn Trãi so với cầu Hoàng Văn Thụ.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Nhiều ý kiến đề xuất cần phân biệt rõ các loại hình tạp chí, làm rõ cơ chế chuyển đổi số và hoàn thiện hành lang pháp lý để báo chí, đặc biệt là tạp chí khoa học, phát triển đúng định hướng, phù hợp với tinh thần đổi mới sáng tạo.
Trước việc cầu Đuống mới đang được thi công và có tiến độ hoàn thành giai đoạn 2025 - 2026, cho ý kiến về tương lai cầu Đuống cũ, đại diện Bộ Xây dựng vừa cho biết, không bảo tồn mà sẽ dỡ bỏ cầu Đuống cũ khi cầu mới xây xong.
Chiều 23/4, theo chương trình phiên họp thứ 44 sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.