''Tôi là bác sĩ bé đầu bự!'' và câu chuyện gia đình xúc động của chàng bác sĩ đồng hành cùng những bệnh nhi đặc biệt

27/06/2023, 07:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tôi có một ước mơ là sẽ không có một bệnh nhân nào bị bỏ lại'', nói đoạn, BS Lê Quang Mỹ nhìn bức ảnh của một em bé não úng thủy, trầm ngâm.

''Lần đầu tiên đứng trước một ca phẫu thuật đặt ống dẫn lưu cho bé não úng thủy với vai trò là phẫu thuật viên chính, áp lực lớn hơn hàng trăm ca mổ phụ trước đó. Đêm đó mình mất ngủ, đến lúc mổ xong cứ bồn chồn lo lắng không biết bệnh nhân mình có ổn không. Chỉ khi tới sáng hôm sau, nhìn thấy bệnh nhân thức tỉnh và dần hồi phục, mình mới bắt đầu nhẹ nhõm. Lúc này, mình mới hiểu được ý nghĩa của câu mà bác sĩ trưởng khoa, cũng là thầy của tụi mình ghi trong phòng: Đã coi lại bệnh nhân sau mổ chưa'', BS Mỹ chia sẻ.

''Trước đây, mình thường nhớ đến những ca thành công. Nhưng hiện tại, những ca thất bại mới khiến mình suy nghĩ và mất ngủ. Khi quyết định làm bác sĩ, là mình đã chọn chiến đấu cho sự phục hồi của người bệnh. Vì vậy, khi sức khỏe của bệnh nhi chưa cải thiện, đầu mình phải suy nghĩ tại sao? Tại sao lại chưa làm được'', BS Mỹ trải lòng.

Gần 10 năm làm nghề, sai sót với BS Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Trong đó, những nhận định sai vẫn luôn là nỗi ám ảnh với vị bác sĩ trẻ.

Tôi là bác sĩ bé đầu bự! và câu chuyện gia đình xúc động của chàng bác sĩ đồng hành cùng những bệnh nhi đặc biệt - Ảnh 4.

''Tưởng tượng như mình đứng ở ngã ba đường, lẽ ra rẽ phải mới đúng nhưng mình quyết định rẽ trái. Và trong tích tắc, mình đã mất bệnh nhân… Có người nói với mình, bác sĩ, nhất là bác sĩ phẫu thuật thần kinh là người được giao phó trách nhiệm đứng canh cửa sinh tử.

Thất vọng với chính bản thân mình, cảm giác giống như mình đang cố gắng cầm chặt một cái gì đó rất quan trọng trong tay rồi bị tuột mất, không thể giữ lại được'', BS Mỹ nghẹn giọng.

Chúng ta đã quen thuộc với bộ phim Fast & Furious, vừa nhanh và nguy hiểm. Nhưng đối với ngoại thần kinh, nhất là trong những ca mổ cấp cứu xuất huyết não, u não… Fast nhưng không thể furious, nhanh nhưng phải chính xác và an toàn nhất có thể. Những lúc đó, buộc các bác sĩ phải luôn trong trạng thái sẵn sàng, tỉnh táo bởi tính mạng bệnh nhân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định từ bác sĩ.

''Có những ca bệnh cấp cứu phải phẫu thuật khẩn cấp lúc nửa đêm, kết thúc mũi khâu lúc trời chạng vạng sáng, toàn ê-kíp mệt rã rời. Nhưng thứ đang sợ nhất không phải là sự mệt mỏi về thể xác mà chính là người bệnh không qua khỏi hoặc diễn tiến nặng hơn. Sự thất vọng bao trùm lên tất cả, còn mình vẫn phải đứng dậy, đối diện với gia đình để thông báo tin xấu và đôi khi cả những lời phê bình từ đồng nghiệp. Đối mặt với nó là điều không dễ dàng, nhưng để tiếp tục làm nghề, mình phải biết cách vượt qua nó. Cách của mình là luôn trong tư thế sẵn sàng và nỗ lực hết sức trong từng ca bệnh'', BS Mỹ chia sẻ.

Tôi là bác sĩ bé đầu bự! và câu chuyện gia đình xúc động của chàng bác sĩ đồng hành cùng những bệnh nhi đặc biệt - Ảnh 5.

Tôi là ''bác sĩ bé đầu bự''

7 năm được mọi người gọi với cái tên thân thương ''bác sĩ bé đầu bự'', BS Lê Quang Mỹ mong rằng mọi người hiểu rõ hơn về bệnh lý não úng thủy, từ đó giúp các con có thêm nhiều cơ hội để được phát hiện, chữa trị.

Não úng thủy là bệnh lý thần kinh phải điều trị suốt đời, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần kinh của bệnh nhân nên việc đi đứng, nói chuyện của các bé sẽ phát triển chậm hơn trẻ bình thường. Dù vậy, việc phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho bệnh nhi có được chất lượng cuộc sống gần như bình thường.

''Nhiều gia đình không biết thông tin về bệnh nên việc phát hiện trẻ bị não úng thủy rất muộn. Khi đó, điều trị sẽ không đạt được hiệu quả tối đa. Đến khi bé xuất viện về nhà, việc trao đổi với gia đình bệnh nhi cũng gặp nhiều khó khăn. Mình thấy được điều đó nên song song với việc điều trị, mình lập ra Fanpage 'Bác sĩ bé đầu bự' để làm sao giúp gia đình có trẻ mắc não úng thủy sớm phát hiện, nhận diện để điều trị đúng phác đồ, được theo dõi thường xuyên.

Thông qua nền tảng trực tuyến và dễ sử dụng này, mình muốn chia sẻ thông tin cơ bản, cập nhật về bệnh lý não úng thủy và khi được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, các bé hoàn toàn có khả năng sống rất tốt. Đây cũng là nơi kết nối, tạo ra những nhóm bệnh nhân để các phụ huynh cùng hỗ trợ lẫn nhau bất chấp khoảng cách địa lý, thời gian. Mình cũng hy vọng giải pháp này sẽ lan tỏa đến các đồng nghiệp trẻ để càng ngày càng có thêm nhiều cầu nối tới bệnh nhân'', BS Mỹ nói.

Giai đoạn đầu khi mới chập chững bước vào giảng đường y khoa, gia đình là động lực chính để BS Mỹ cố gắng, cùng cha mẹ đưa gia đình qua giai đoạn khó khăn. Nhưng khi trực tiếp chứng kiến một bệnh nhi não úng thủy được nhân viên y tế phát hiện ở những ngôi nhà nằm sâu trong rừng, đưa tới bệnh viện điều trị, chăm sóc và nhìn thấy sự phục hồi, BS Mỹ đã tìm thấy mối liên kết đặc biệt - sự nhiệm màu của y khoa có thể mang lại.

''Khi gia đình bắt đầu trở lại với nhịp sống, mình đã bắt đầu ước mơ cùng người bệnh. Mình ước dù cho lý do đó là gì, sẽ không có một bệnh nhân nào bị bỏ lại khi còn có khả năng điều trị. Tất nhiên để làm được điều đó không hề dễ dàng, cần phải có sự chung tay của tất cả mọi người với chủ lực là những thầy thuốc vững tay nghề, cùng sự phối hợp của người bệnh, sự góp sức của cả cộng đồng và các công cụ hỗ trợ, trong đó quan trọng nhất là các nền tảng công nghệ kết nối trực tuyến'', BS Mỹ tâm sự.

7 năm không phải là quãng thời gian quá dài đối với một đời người nhưng chừng ấy thời gian đã đủ cho BS Lê Quang Mỹ hiểu và cảm nhận rõ hơn về những em bé đầu bự. Xuất phát từ tình yêu thương dành cho con nít, sự mong mỏi của một người bác sĩ để giúp những bệnh nhi vượt qua đau đớn về bệnh tật, BS Mỹ hiểu rằng để đi được một chặng đường dài nhất cùng với trẻ não úng thủy, chuyên môn bản thân phải liên tục phát triển và luôn lắng nghe những nguyện vọng, nhu cầu của người bệnh, từ đó tìm cách hỗ trợ phù hợp nhất.

Vậy nên lâu lâu trên Fanpage của ''Bác sĩ bé đầu bự'', lúc thì thấy BS Mỹ chia sẻ tâm sự, an ủi bệnh nhân, lúc thì đi kêu gọi hỗ trợ về mặt tài chính, tìm kiếm những mối liên hệ cần thiết để việc điều trị của bệnh nhân được tốt nhất.

Tôi là bác sĩ bé đầu bự! và câu chuyện gia đình xúc động của chàng bác sĩ đồng hành cùng những bệnh nhi đặc biệt - Ảnh 6.

Tất cả những việc mà BS Lê Quang Mỹ đã và đang làm đều mong muốn thực hiện ước mơ không để bệnh nhân nào bị bỏ lại. Hành trình đó thật vui vì mỗi ngày khi BS Mỹ lại gặp thêm nhiều đồng nghiệp, bạn bè, đối tác công nghệ, truyền thông dưới sự định hướng của Bộ Y tế.

Theo Tổ quốc
https://toquoc.vn/toi-la-bac-si-be-dau-bu-va-cau-chuyen-gia-dinh-xuc-dong-cua-chang-bac-si-dong-hanh-cung-nhung-benh-nhi-dac-biet-20230626093459696.htm
Copy Link
https://toquoc.vn/toi-la-bac-si-be-dau-bu-va-cau-chuyen-gia-dinh-xuc-dong-cua-chang-bac-si-dong-hanh-cung-nhung-benh-nhi-dac-biet-20230626093459696.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
''Tôi là bác sĩ bé đầu bự!'' và câu chuyện gia đình xúc động của chàng bác sĩ đồng hành cùng những bệnh nhi đặc biệt