Nó gợi lại và nhân lên ký ức sợ sệt, kinh hãi những cuộc đánh ghen gây hoảng hốt dư luận trước đó. Đơn cử như hồi tháng 11-2020 tại khu vực bờ kè ven biển xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, một cô gái bị nhiều đối tượng khống chế, lột hết quần áo, đánh đập, lăng nhục, bị quay clip rồi tung lên mạng xã hội.
Hay hồi tháng 8-2020, Nguyễn Thị Mộng Thơ (quê Vĩnh Long) rủ thêm đồng phạm tới một nhà ở quận 8, TP HCM mai phục, đánh đập, cắt tóc tình địch…
Vụ ở Huế, công an khởi tố 7 bị can với các tội "Làm nhục người khác" và "Cố ý gây thương tích". Vụ ở TP HCM, công an khởi tố tội "Làm nhục người khác" với Thơ cùng đồng phạm… Như vậy, những kẻ tấn công đồng loại xuất phát từ cơn cuồng ghen đã trả giá. Đó là lẽ đương nhiên của luật pháp và đạo lý.
Quay trở vụ việc tạt xăng, châm lửa vào tình địch ở Quảng Nam, khoảng thời gian gây án quá ngắn ấy chắc chắn sẽ mang lại hệ lụy rất dài cho không chỉ sự đau đớn của người bị tấn công, cái giá thích đáng cho hung thủ mà còn khiến xã hội bị ám ảnh bởi tính chất man rợ của hành vi kẻ thủ ác gây nên. Đó cũng là vụ việc gây bất bình, phẫn nộ rất cao thời gian gần đây.
Không vì lý do gì để bao biện cho hành động tạt xăng, châm lửa vào đồng loại. Mọi trần tình, kể lể, than vãn, giãi bày bức xúc vì bị "cướp chồng hay người yêu"… trong tình huống này chỉ là vỏ bọc cho "bản tính ác" của kẻ tấn công.
Và cũng do vậy, không lý do gì để trì hoãn việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố, xét xử, tuyên án… nhằm trừng phạt kẻ phạm pháp. Tiến hành nhanh chóng các biện pháp tố tụng trên chừng nào, vết thương của lòng nhân ái, của các giá trị "người với người sống để yêu nhau" không bị lan rộng, lở loét chừng ấy.
Để cảm xúc xã hội không bị thách thức, những trận đòn thù mù quáng với lý do ghen tuông phải bị trừng trị nhanh chóng, nghiêm khắc, đích đáng!