Nhu cầu thuê nhà cao khiến nhiều chủ nhà chuyển mô hình từ nhà ở riêng lẻ sang nhà cho thuê, làm tăng mật độ dân số, khó đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy (PCCC)… Việc tổng kiểm tra, rà soát cơ sở cho thuê trọ phải thực chất.
Đường Bạch Đằng (quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) là nơi tập trung đông đảo phòng trọ giá rẻ cho người lao động. Đa số nhà cho thuê nằm ở sâu trong các ngõ, ngách phía gần sông Hồng. Anh Tuệ (người thuê phòng tại ngách 95/20 Bạch Đằng) cho biết, gia đình anh thuê phòng diện tích 25m2 ở đây với giá hơn 2 triệu đồng/tháng.
Sau vụ cháy khu nhà trọ tại quận Cầu Giấy, gia đình anh Tuệ rất lo lắng vì nhà thuê nằm ở ngõ sâu, nhiều đoạn chỉ 2 xe máy tránh nhau, chưa kể xe máy của người dân thường xuyên để san sát dọc ngõ. “Tôi đã đặt mua 1 bình chữa cháy và mặt nạ phòng độc, chẳng may xảy ra cháy nổ còn có đường tự cứu mình, chứ ngõ ngách như thế này xe cứu hỏa khó mà có thể tiếp cận được”, anh Tuệ nói.
Đường Đê La Thành (quận Ba Đình) có hàng chục con ngõ hẹp, dài sâu hun hút, là nơi tập trung vô số nhà trọ. Tại ngõ 491 đường Đê La Thành, dù chỉ có bề ngang khoảng 2m nhưng có hàng trăm hộ gia đình sinh sống, với nhiều hộ cho thuê nhà trọ.
Bà Đoàn Thị Phương Hoa (35/491 đường Đê La Thành) cho biết, sống ở đây luôn nơm nớp lo sợ bởi nguy cơ “bà hỏa” ập đến bất cứ lúc nào. Vừa qua, UBND quận Ba Đình cấp phép cho ông Lê Minh Toàn xây dựng nhà số 33/491 Đê La Thành đến 6 tầng. Công trình vừa hoàn thiện, lập tức chủ công trình gắn biển cho thuê “chung cư mini và phòng trọ”.
Không chỉ ở các quận trung tâm, các quận, huyện như quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh... cũng tập trung nhiều khu nhà trọ lụp xụp, nguy cơ mất an toàn PCCC rất cao, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thể xử lý triệt để.
Rà soát cần kết hợp công khai lộ trình khắc phục
Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình tại số 33/491 đường Đê La Thành được UBND quận Ba Đình cấp giấy phép xây dựng số 277 ngày 18/7/2023. Giấy phép nêu do quy hoạch đường nên công trình được xây làm 2 phần. Phần trước diện tích 11,7m2 (thuộc quy hoạch) xây 4 tầng; phần sau diện tích 90m2 nằm ngoài chỉ giới mở rộng đường giao thông được xây dựng 6 tầng (chưa kể tầng lửng, tum thang). Thực tế, ngay từ khi xây dựng, chủ công trình đã xây vượt chiều cao được cấp phép. Khi hoàn thành công trình (tháng 4/2024), chủ đầu tư tiếp tục mở rộng tầng 5-6 vào phần chỉ giới quy hoạch. Cơ quan chức năng đã lập biên bản về việc này.
Một đại diện UBND phường trên địa bàn nêu, nhiều công trình nhà ở riêng lẻ sau khi hoàn thiện chuyển đổi làm nhà trọ. Nếu là nhà ở riêng lẻ thì không thuộc cơ sở phải thẩm định PCCC. Khi chuyển đổi là phát sinh nên phải kiểm tra, yêu cầu chủ cơ sở bổ sung PCCC. “Các hướng dẫn về quản lý nhà ở riêng lẻ chuyển đổi sang nhà trọ chưa đầy đủ nên địa phương gặp khó trong việc quản lý loại hình này”, vị đại diện nói.
Ngay sau vụ cháy nhà trọ khiến 14 người tử vong ở phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký, ban hành công điện về việc tăng cường phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà trọ trên địa bàn. Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu quận, huyện, thị xã thành lập các tổ công tác tổ chức rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ, hoàn thành trước ngày 15/6.
Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội yêu cầu tổng kiểm tra, rà soát loại hình này. Sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân làm 56 người chết năm 2023, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình chung cư mini, nhà trọ trong vòng 45 ngày. Nhưng chưa đến một năm, một vụ cháy liên quan phòng trọ lại xảy ra. Việc này khiến dư luận đặt ra câu hỏi về hiệu quả của việc tổng kiểm tra, rà soát nhà trọ, chung cư mini trên địa bàn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, cần phải quy định về kỹ thuật tách sản xuất, dịch vụ có nguy cơ phát sinh cháy nổ ra khỏi nhà ở. Rà soát kỹ, kiên quyết đình chỉ các cơ sở kinh doanh, sản xuất kết hợp lưu trú không đảm bảo an toàn cháy nổ, ảnh hưởng khu vực liền kề. Tiếp đó từng bước cải tạo các nhà liền kề, nhà ống trong ngõ nhỏ theo hướng có lối thoát hiểm thứ hai. Nếu không thể thiết kế PCCC an toàn thì bắt buộc phải đình chỉ.
Ngoài ra, dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại kỳ họp thứ 7 này cần xem xét, nghiên cứu để có quy định rõ ràng hơn về quản lý loại hình nhà ở kết hợp cho thuê trọ. “Cần chi tiết để có chế tài xử lý phù hợp với loại hình này, tránh xảy ra các vụ cháy thương tâm”, ông Phú nói.
Ông Phú nhận định, cứ mỗi lần xảy ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, Hà Nội lại yêu cầu tổng rà soát, nhưng cần rà soát một cách thực chất. Đó là phải công khai các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC, rồi có lộ trình khắc phục.
Xác định ADN 3 nạn nhân cuối cùng trong vụ cháy ở Trung Kính
Ngày 26/5, Cơ quan chức năng đã xác định được ADN của 3 nạn nhân cuối cùng trong vụ cháy nhà trọ làm 14 người chết. Các nạn nhân gồm anh M.N.T. (SN 1987, quê Bắc Kạn); anh L.T.T. (SN 2000, quê Hưng Yên); anh V.N.L. (SN 2000, quê Lào Cai). Sau khi xác định được ADN các nạn nhân, gia đình đã nhận thi thể và tổ chức hậu sự.
Thanh Hà