Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm nay diễn ra vào dịp kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh, và cũng để bàn phương án hỗ trợ quân sự dài hạn cho Ukraine và chuẩn bị đối phó với khả năng ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty)
Tuy nhiên, không ai đoán trước được hội nghị diễn ra tại Washington (Mỹ) trong tuần này lại biến thành bài kiểm tra công khai đối với sức khỏe và sự minh mẫn của Tổng thống Joe Biden, vào thời điểm nỗ lực tái tranh cử tổng thống Mỹ của ông đang gặp nhiều sức ép.
Vai trò lãnh đạo của Mỹ trong NATO và nguồn viện trợ quân sự cho Ukraine khiến Tổng thống Mỹ Biden trở thành nhà lãnh đạo nổi bật nhất trong liên minh này kể từ thời chính quyền Tổng thống George H.W. Bush. Tuy nhiên, những thành tựu của ông, bao gồm việc giúp Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO, cũng khó giúp ông tránh được cảnh phải nỗ lực hơn nữa để cứu vãn tương lai chính trị.
Mỗi bước đi, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của ông Biden trong hội nghị thượng đỉnh lần này đều sẽ được chú ý, nhất là sau khi hình ảnh một nhà lãnh đạo cao tuổi, đôi khi không giữ được sự mạch lạc, hằn vào tư tưởng của 50 triệu khán giả xem cuộc tranh luận trực tiếp của ông với đối thủ Donald Trump trên CNN cuối tháng trước.
Vị tổng thống cao tuổi hơn cả NATO sẽ phải thể hiện sức khỏe và sự minh mẫn trong cuộc họp báo ngày 11/7. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông nhầm lẫn sẽ càng khiến đảng Dân chủ Mỹ khó xử và tác động tiêu cực đến nỗ lực quyết liệt của ông nhằm gạt bỏ những lời kêu gọi dừng tái tranh cử. Tại cuộc họp báo, Tổng thống Biden chắc chắn sẽ nhận được rất nhiều câu hỏi về sức khỏe, hồ sơ y tế và liệu ông có giấu thông tin về bệnh của mình hay không.
Đảng Dân chủ chắc chắn sẽ theo dõi sát sao cuộc họp báo khi nhiều thành viên đòi Tổng thống Biden phải làm nhiều hơn nữa để chứng minh ông có thể làm thêm 1 nhiệm kỳ tổng thống nữa.
Sáng 8/7, Thượng nghị sĩ Patty Murray cảnh báo: “Chúng ta cần một ứng viên nhiều năng lượng và mạnh mẽ hơn trên đường chạy đua, để ông ấy có thể thuyết phục các cử tri rằng ông ấy có thể làm tốt công việc của người đứng đầu nước Mỹ”.
“Vào thời điểm quan trọng như thế này, Tổng thống Biden nên cân nhắc cách tốt nhất để giữ gìn di sản quý giá của mình và bảo vệ nó cho tương lai”, bà Murray nói.
Ông Biden cũng sẽ được theo dõi ở nhiều quốc gia khác. Sức khỏe và tuổi tác không chỉ là vấn đề ảnh hưởng đến tương lai chính trị của ông mà là cả phương Tây nói chung, khi ông đang được coi là người cuối cùng có thể ngăn ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Trong nhiệm kỳ của mình trước đây, ông Trump nhiều lần chê bai NATO và khen ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Trump gần đây nói rằng sẽ để Nga “làm bất kỳ điều gì họ muốn” và sẽ không thực hiện Điều 5 của NATO về phòng thủ tương hỗ nếu ông thấy một quốc gia thành viên NATO nào không thực hiện đúng cam kết về chi tiêu quốc phòng.
Các nhà lãnh đạo thế giới cũng sẽ theo dõi để có đánh giá riêng về ông Biden.
Kurt Volker, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, nói rằng các đối tác của Mỹ đến Washington dịp này sẽ đánh giá vai trò của Mỹ trong liên minh.
Các nhà ngoại giao và chính phủ nước ngoài không công khai nói về chuyện tái tranh cử của ông Biden, vì không muốn bị cho là can thiệp vào chính trị nội bộ của Mỹ. Tuy nhiên, theo CNN, các nhà ngoại giao từ châu Âu, châu Á và Trung Đông đều bày tỏ hoài nghi sau màn tranh luận của Tổng thống Biden.
Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết, các lãnh đạo từ châu lục này sẽ giữ phép lịch sự và tránh bị cho là can thiệp hay đứng về bên nào trong chính trị Mỹ. Tuy nhiên, người này nói với CNN: “Đằng sau điều đó, tôi tin rằng cuộc tranh luận về ông Biden đang diễn ra rất sôi nổi".