Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời nhà lãnh đạo Nga nêu rõ: “Bây giờ họ nói rằng vũ khí đang được đưa vào Trung Đông từ Ukraine. Tất nhiên là vì chúng được bán. Bán cho Taliban rồi từ đó đi khắp nơi”.
Phía Ukraine và lực lượng Taliban chưa lên tiếng về cáo buộc của Tổng thống Putin.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2/2022, các cường quốc phương Tây đã gửi cho Ukraine số vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD. Ukraine khẳng định kiểm soát chặt chẽ mọi vũ khí được cung cấp cho nước này, nhưng một số quan chức an ninh phương Tây đã bày tỏ quan ngại. Mỹ cũng đã yêu cầu Ukraine giải quyết vấn đề tham nhũng.
Vào tháng 6/2022, người đứng đầu Interpol Jürgen Stock, cảnh báo rằng một số vũ khí tối tân được gửi đến Ukraine sẽ rơi vào tay các nhóm tội phạm có tổ chức. Báo cáo vào tháng 3 của tổ chức Sáng kiến Toàn cầu Chống Tội phạm có Tổ chức xuyên quốc gia về cuộc chiến Ukraine và buôn bán vũ khí bất hợp pháp đánh giá rằng “hiện không có dòng vũ khí đáng kể nào thoát ra khỏi khu vực xung đột Ukraine.
Tuy nhiên, mọi tiền lệ đều cho thấy rằng, nếu mối đe dọa không được giải quyết một cách chủ động, thì khi cuộc chiến hiện tại kết thúc, chiến trường của Ukraine có thể và sẽ trở thành kho vũ khí vô chính phủ, trang bị cho tất cả từ quân nổi dậy ở châu Phi đến xã hội đen trên đường phố châu Âu”.
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức), Mỹ dẫn đầu trong nhóm 8 nhà tài trợ phương Tây lớn nhất cho Ukraine. Những nước này đã cam kết quân sự với Ukraine với tổng trị giá 90 tỷ USD. Sự hỗ trợ của quân đội Mỹ cho Ukraine bao gồm 160 pháo cỡ nòng 155mm, 109 xe chiến đấu Bradley, hơn 111 triệu viên đạn nhỏ và 38 hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao.