anh-tour-trai-nghiem-pn-5.jpg
Văn hóa

Tour đêm tôn vinh sự hy sinh của người Phụ nữ Việt Nam

Thanh Sơn 08/03/2024 08:02

(GDTĐ) - Tại Hà Nội có hai điểm đến là di tích Nhà tù Hỏa Lò và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nằm trong tour đêm khám phá Hà Nội, giúp cho du khách nhất là các bạn trẻ có những giây phút lắng đọng, được trải nghiệm và ngẫm suy về những câu chuyện, hiểu sâu hơn về sự hy sinh to lớn của người Phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Sống như những đóa hoa

anh-tour-trai-nghiem-pn-1.jpg
Khách trải nghiệm tour “ Sống như những đóa hoa” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò

Sau khi nhận thiết bị tourguide (máy nghe thuyết minh), theo sự hướng dẫn của thuyết minh khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, du khách bắt đầu hành trình tham quan tour đêm: “Đêm thiêng liêng 2” mang chủ đề “Sống như những đóa hoa”, đón khách tham quan từ tháng 10/2020.

anh-tour-trai-nghiem-pn-2.jpg
Sân khấu hóa “ Sống như những đóa hoa”

Điểm dừng đầu tiên đó chính là cổng chính tượng trưng cho ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa gông cùm, xiềng xích và khát vọng tự do. Ấn tượng nhất khi bước vào là cánh cửa sắt nặng nề với chốt cài, to bản thể hiện sự chắc chắn, kiên cố. Chính tại đây, đã diễn ra cuộc vượt ngục táo bạo của nữ chiến sỹ cách mạng vào tháng 3/1945.

Qua cổng chính, du khách được xem sa bàn và nghe giới thiệu về toàn cảnh nhà tù về những bức tường đá bao quanh nơi diễn ra cuộc vượt ngục của các nữ chiến sỹ cách mạng bằng hình thức “thăng thiên” (trèo tường).

Trong phòng giám nối D-E, chuyện ăn, mặc trong chốn lao tù khắc nghiệt của các nữ chiến sỹ cách mạng can trường được tái hiện bằng hình thức sân khấu hóa qua lời kể của nữ tù chính trị Nguyễn Thị Hồng. Trong không gian lạnh lẽo của trại giam, hình ảnh cô Nhiêu Sáu, người Phụ nữ duy nhất tham gia vụ đầu độc Hà thành đầu độc được khắc họa qua những thước phim tư liệu chân thực, xúc động, đưa du khách trở về cuộc binh biến cách đây trên 100 năm.

Trong tuyến tham quan, hình ảnh cây bàng trăm tuổi, cành lá xanh tốt, xum xuê vươn thẳng lên trời cao là nhân chứng sống ở Nhà tù Hỏa Lò, cây bàng cũng là “Người chiến sỹ” thầm lặng, người bạn tình nghĩa gắn bó thân thiết với cuộc sống của các nữ tù chính trị, cây bàng là “Người thầy thuốc” tận tình cứu chữa cho nhiều chiến sỹ cách mạng từ cõi chết trở về.

Nằm không xa cây bàng trăm tuổi là cửa cống ngầm, nơi chứng kiến nhiều cuộc vượt ngục của các tù nhân trong đó có không ít nữ tù nhân. Tại đây, qua lời dẫn của thuyết minh cùng hoạt cảnh nói về sự thông minh của những người phụ nữ làm công tác liên lạc để vận chuyển các dụng cụ dùng để cưa song sắt vượt ngục vào khu vực xà lim tử hình, cảnh đối đáp, gay cấn tại cửa cống ngầm giúp giải đáp những thắc mắc của du khách.

anh-tour-trai-nghiem-phu-nu-4.jpg
Chương trình “ Huyền thoại tuổi thanh xuân” tại BT PN

Cũng tại đây, để giúp du khách hiểu hơn về các nữ tù vượt ngục, ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã bố trí thêm không gian trải nghiệm: Chui qua cống ngầm, đường đi chật chội, hai bên có các gờ nổi, ánh sáng không đủ cùng âm thanh tiếng cưa sắt, tiếng nước chảy, tạo nên một cảm giác ngột ngạt, khó thở, bức bối.

Theo sự hướng dẫn, du khách đến tìm hiểu về khu biệt giam nữ và trại giam nữ tù tập thể. Ở những nơi này gắn liền với nhiều tấm gương phụ nữ kiên trung một lòng vì Đảng, vì dân như: Trương Thị Mỹ, Phạm Thị Hoàng Ngân, Hoàng Thị Ái… tại đây, du khách cảm nhận được không khí ngột ngạt bên trong xà lim, nghe kể về mối tình sắt son giữa chị Hoàng Ngân và anh Hoàng Văn Thụ là một trong những câu chuyện tình yêu đầy cảm động trong Nhà tù Hỏa Lò.

Xúc động nhất là hoạt cảnh dựa trên câu chuyện về đồng chí Hoàng Thị Ái vì nhiệm vụ cách mạng phải gửi con đi xa. Sau đó, con mất vì khát sữa và chồng là nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc cũng hy sinh, bên xà lim máy chém, du khách sẽ cảm nhận được tận cùng nỗi đau và sự hy sinh của những người vợ, người mẹ trong thời chiến. Những người bà, người mẹ, người chị đã âm thầm nuốt nước mắt, tiễn chồng, con ra trận, khi Tổ quốc cần sẵn sàng cầm vũ khí chiến đấu, trước nhục hình tra tấn của kẻ thù vẫn giữ vững khí tiết, không khuất phục trước kẻ thù.

Điểm dừng cuối trong tuyến tham quan là đài tưởng niệm và lễ tri ân. Tại không gian linh thiêng du khách sẽ thực hiện nghi thức tri ân trong không gian được thiết kế công phu để cảm nhận sự giao hòa giữa tâm linh và đời thực, giữa hiện tại và quá khứ… những vần thơ về Mẹ vang lên trong không gian linh thiêng. Thật xúc động, trong mỗi người dâng lên cảm xúc của sự biết ơn, lòng kính trọng, niềm tự hào dân tộc được khơi gợi, tạo nên ấn tượng không quên với mỗi người, đó là động lực, niềm tin và hy vọng vào cuộc sống, biết trân trọng quý hơn những gì đang có.

Kết thúc hành trình trải nghiệm, du khách sẽ được thưởng thức các món quà được làm từ bàng như: Trà bàng, thạch bàng, hạt bàng và nhận quà lưu niệm làm từ bàng.

TS. Phạm Quốc Quân - ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết: “Sống như những đóa hoa” có sự nghiên cứu, đầu tư, có kịch bản, khai thác sâu các câu chuyện trong đời thường, sử dụng âm nhạc, ánh sáng, xử lý âm thanh, tiếng động hợp lý, các hoạt cảnh rất ấn tượng, thuyết minh rõ ràng, đã truyền cảm hứng cho khách, làm cho khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tạo nhiều cảm xúc và hiệu quả đối với du khách. Đi tham quan khách càng hiểu hơn về sự hy sinh to lớn của những người nữ tù tại Hỏa Lò, đây thực sự là một tour trải nghiệm về đêm bổ ích, hiện nay ở Việt Nam chưa có nhiều”.

Huyền thoại tuổi thanh xuân

Chương trình trải nghiệm đặc biệt “Huyền thoại tuổi thanh xuân” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhằm tái hiện hình ảnh tiểu đội Anh hùng của 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đã hy sinh dũng cảm, góp phần giữ vững tuyến giao thông huyết mạch trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước khi tuổi đời mới độ mười tám, đôi mươi. Chương trình đón khách từ 20/10/2023.

anh-tour-trai-nghiem-pn-6.jpg
Khách xem chương trình “ Huyền thoại tuổi thanh xuân”

Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: “Điểm nhấn của chương trình chính là tái hiện câu chuyện lịch sử về những người con gái Việt Nam anh dũng, phơi phới tuổi thanh xuân cùng tinh thần chiến đấu quật cường sẽ được diễn ra tại không gian bảo tàng, nơi có sự kết nối và trưng bày nhiều kỷ vật, hình ảnh về những đoá hoa nơi tuyến đầu trận địa. Chúng tôi hy vọng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến quen thuộc, nơi luôn có nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn tới công chúng”.

anh-tour-trai-nghiem-phu-nu-3.jpg
Chương trình “ Huyền thoại tuổi thanh xuân” tại BT PN

Chương trình dài 60 phút trên bối cảnh không gian chiến trường khốc liệt sẽ được tái hiện bằng công nghệ hình ảnh, hiệu ứng 3D với những hố bom, những căn hầm chữ A, con đường vượt qua trọng điểm, trận địa pháo và hình ảnh các đoàn xe chở hàng, chở quân ra trận.

Theo đạo diễn Lê Quý Dương: “Tôi muốn khán giả được trải nghiệm, hòa vào không khí như đang sống trong những ngày tháng ấy. Họ sẽ ngồi giữa không gian chiến trường của Ngã ba Đồng Lộc, là một phần của chương trình trong sự tương tác với diễn viên khi chung quanh rầm rập tiếng quân đi, tiếng xe tăng ga vượt trọng điểm, tiếng bom no ì ầm và vang vọng lời bài ca mở đường của các cô gái”. Đặc biệt, 5 tấn đất đã được ê kíp xây dựng chương trình chuyển từ Ngã ba Đồng Lộc ra Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với tâm nguyện tri ân của thế hệ hôm nay dành cho những người đã ngã xuống vì tổ quốc và mong muốn để công chúng có những cảm xúc chân thực, sâu lắng nhất trong chương trình.

anh-tour-trai-nghiem-pn-5.jpg
Tái hiện lại hình ảnh 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc

Diễn viên tham gia chương trình “Huyền thoại tuổi thanh xuân” trong độ tuổi từ 18­ đến 24, đúng với tuổi của 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc. Quá trình tuyển chọn diễn viên chú trọng đến sự chân thật, cảm xúc và nhạy cảm với vai diễn. Mỗi nhân vật đều có những điểm nhấn khắc họa tính cách, tâm lý riêng, nhưng trong họ luôn có điểm chung là sự hồn nhiên, yêu đời, sống có lý tưởng và nét dịu dàng, kiên cường của người phụ nữ Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tour đêm tôn vinh sự hy sinh của người Phụ nữ Việt Nam