TP HCM: Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng gấp đôi, bác sĩ không kịp trở tay

Hải Yến, | 17/07/2023, 22:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tại TP HCM, bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh. Đáng chú ý, dù tỉ lệ thấp hơn năm 2022 nhưng số ca chuyển biến từ nhẹ sang nặng nhanh.

Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng gấp đôi, bác sĩ căng mình điều trị

Theo bác sĩ Quy, tại khu vực ngoại trú có 8 phòng khám cho trẻ bị tay chân miệng với khoảng 400 lượt/ngày. Khu vực nội trú số trẻ nhập viện cũng tăng nhanh nên khoa phải mở rộng thêm một tầng lầu. Hiện tại khoa đang điều trị cho hơn 140 ca, trong đó có 8 ca nặng cần theo dõi sát.

Còn tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện, mỗi ngày, số ca nặng cũng tăng liên tục. Khoa này đã sẵn sàng dành 20 trong tổng số 30 giường bệnh phục vụ riêng các bé mắc tay chân miệng nặng và rất nặng. Đáng chú ý, khoa đang điều trị 14 trẻ nặng, trong đó 11 ca phải thở máy, cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Lượng bệnh tăng cao và dồn ứ, tình trạng quá tải cục bộ cũng đã diễn ra khiến cả cha mẹ cũng mệt mỏi.

Trong thời gian chờ chuyển phòng nhập viện, chị Đ.T.Q (35 tuổi, ngụ TP HCM) cho biết sau 5 ngày điều trị ở phòng hồi sức, nay bé đỡ nên được chuyển ra phòng thường.

Trước đó, con chị bị sốt, nổi nốt trong miệng nên đưa con đến bệnh viện khám. Bé được chẩn đoán tay chân miệng độ 1 nên được về nhà theo dõi. Tuy nhiên, chỉ trong vài tiếng, bé có biểu hiện sốt cao, giật mình liên tục nên chị đưa con đến bệnh viện cấp cứu trong đêm.

"Ngay khi nhập viện, sau thăm khám, bé phải chuyển nằm hồi sức. Tôi cũng không ngờ tình trạng chuyển độ nặng nhanh như vậy. Hiện sức khoẻ bé đã bình ổn hơn nhưng tôi vẫn chưa yên tâm" - chị Quyên nói.

Theo bác sĩ Quy, trẻ mắc bệnh tay chân miệng quan trọng nhất là kịp thời phát hiện các triệu chứng. Bởi trẻ có thể đột ngột chuyển nặng, suy hô hấp, nguy kịch chỉ trong vài giờ. Do đó, khi nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ nên cho con đi khám ở cơ sở y tế gần nhất để xác định bệnh, theo dõi sát tình hình.

Mặc dù không được chủ quan nhưng các bậc cha mẹ cũng không nên lo lắng quá mức, không vượt đường xa từ tỉnh lên TP HCM khám bệnh làm ảnh hưởng trẻ. Trẻ nên khám và điều trị ở cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc tốt nhất.

"Hiện ở các bệnh viện tuyến tỉnh, thuốc điều trị tay chân miệng đã được cung cấp đầy đủ, kinh nghiệm y bác sĩ cũng đã được tập huấn, đào tạo xử trí. Nếu đón chuyến xe dài lên TP HCM khám sẽ nguy hiểm cho trẻ. Bởi quá trình di chuyển trên đường, trẻ có thể sốt cao co giật, không biết hạ sốt, sữa cũng không đảm bảo cho trẻ khiến trẻ trở nặng và hạ đường huyết" - bác sĩ Quy nhấn mạnh.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), khuyến cáo các dấu hiệu nặng cần nhập viện ngay để cấp cứu kịp thời gồm: sốt cao khó hạ, sốt trên 39 độ, sốt hơn hai ngày; trẻ giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, yếu chi; nôn ói nhiều; lừ đừ, lơ mơ; thở nhanh, thở bất thường; tay chân lạnh, vã mồ hôi, da nổi bông tím. Trẻ nhỏ thường quấy khóc, giật mình, không thể rời xa mẹ…

Theo Người lao động
https://nld.com.vn/suc-khoe/tp-hcm-tre-mac-benh-tay-chan-mieng-tang-gap-doi-bac-si-khong-kip-tro-tay-20230717165855476.htm
Copy Link
https://nld.com.vn/suc-khoe/tp-hcm-tre-mac-benh-tay-chan-mieng-tang-gap-doi-bac-si-khong-kip-tro-tay-20230717165855476.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP HCM: Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng gấp đôi, bác sĩ không kịp trở tay