Ông Kurose Yasuo - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam - khẳng định dự án tuyến metro số 1 sắp vận hành là biểu tượng cho sự hợp tác giữa hai nước. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng nếu chỉ vận hành một tuyến đường sắt thôi thì hiệu quả cũng hạn chế. Bởi vậy, việc phát triển theo hướng TOD sẽ giúp TPHCM gia tăng hiệu ứng, tăng cường sự kết nối trong giao thông, qua đó giúp người dân lưu thông, đi lại thuận lợi hơn.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển TOD tại quốc gia mình, ông Shin Kimura - Giám đốc Xúc tiến kinh doanh Cơ quan phục hưng đô thị - cho biết việc huy động vốn cho mô hình TOD do các công ty đường sắt phụ trách, còn việc hoàn thiện hệ thống đường sắt thì một phần do chính quyền địa phương chi trả, đặc biệt không sử dụng khoản vay nước ngoài để hoàn thiện TOD.
Mặt khác, khi định hướng phát triển TOD, các bên cũng đã phân chia nhiệm vụ để góp vốn đảm bảo hoàn thiện hệ thống. Và để hoàn thiện một TOD thì phải hoàn thiện một hệ thống đường sắt.
Trao đổi thêm, bà Yoko Takebayashi, Phó trưởng đại diện JICA tại Việt Nam nhìn nhận với kinh nghiệm hỗ trợ cho nhiều nước trên thế giới, Nhật Bản không sử dụng nguồn vốn nước ngoài, mà chỉ sử dụng nguồn vốn tư nhân để xây dựng các dự án TOD.
Bên lề hội thảo, bà Yoko Takebayashi cho rằng việc xem xét cơ chế đặc thù thí điểm cho TPHCM hoặc thí điểm trong những dự án ban đầu với những cơ chế linh hoạt là điều rất quan trọng. "Chúng tôi cũng rất mong muốn có sự tham gia của các bộ ngành Trung ương như Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành liên quan trong hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện phát triển TOD", vị đại diện JICA chia sẻ.