“Khi có hãng tàu lớn như MSC tham gia sẽ bảo đảm hàng hóa cho cảng với nguồn hàng hiện có của hãng tàu, là thời cơ thuận lợi để hình thành và phát triển hiệu quả cảng. Bên cạnh đó, việc có nhà đầu tư là hãng tàu lớn nhất thế giới quan tâm hợp tác đầu tư chứng tỏ tính hấp dẫn của vị trí cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ”- nội dung tờ trình của UBND TPHCM nêu.
Không tác động nhiều đến môi trường
Vị trí dự kiến của cảng được đặt tại Cù lao Phú Lợi ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải (huyện Cần Giờ).
“Vị trí cảng nằm trong khu vực cửa sông Cái Mép, cách cảng Cái Mép - Thị Vải đang khai thác ở phía bờ đối diện khoảng 1 km. Hoạt động hàng hải tại khu vực này đã đưa vào hoạt động từ nhiều năm nay, khai thác ổn định, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường, do đó việc hình thành Cảng trung chuyển ở đây cũng không tác động, ảnh hưởng nhiều đến khu vực”- tờ trình nêu.
Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, dự kiến phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 trước năm 2030, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác 2/7 bến chính; giai đoạn 2 (sau năm 2030 đến năm 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các bến chính còn lại. Theo đề án, dự án có tổng mức đầu tư hơn 5,45 tỷ USD.
Về công nghệ khai thác, thiết bị vận hành bốc xếp container sẽ sử dụng thiết bị chạy bằng năng lượng, nhiên liệu sạch, thân thiện và bảo vệ môi trường.
Về nguồn vốn đầu tư, việc thực hiện cảng, công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng, Trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư).
Ngoài ra, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.
Theo UBND TPHCM, việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ định hướng và giao nhiệm vụ triển khai thực hiện. Do đó, UBND TP kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch cảng biển quốc gia, quy hoạch chung TPHCM và các đồ án quy hoạch khác có liên quan nhằm tổ chức thực hiện theo chủ trương nêu trên.
Sẽ đóng góp cho ngân sách từ 34.000 - 40.000 tỷ đồng/năm Theo nội dung tờ trình, khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa khoảng từ 34.000-40.000 tỷ đồng/năm (giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh). Đồng thời, cảng cũng sẽ tạo ra 6.000 - 8.000 việc làm cho nhân viên, lao động làm việc tại cảng và hàng chục nghìn lao động khác làm dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan... |