Còn khu đô thị Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) có quy hoạch 1.354 ha nằm trong tổng thể khu đô thị cảng Hiệp Phước (3.900 ha). Đây là khu đô thị mới đa chức năng, có tính đặc thù của đô thị ven cảng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị TP ra biển. Khu đô thị này hiện nay mới thu hút các nhà đầu tư vào cảng Hiệp Phước. Riêng 1.354 ha quy hoạch là đô thị thì vẫn đang “treo” vì chưa có nhà đầu tư.
Huyện Cần Giờ có khu đô thị lấn biển Cần Giờ rộng 2.870 ha, trong tương lai làm chủ đạo nhưng hiện vẫn đang chỉ dừng ở bước quy hoạch. Còn với khu Tây Bình Chánh hiện là khu trung tâm hành chính của huyện được xem là khu đô thị phát triển nhất của huyện này.
Phụ thuộc các dự án giao thông kết nối
Theo Sở QH-KT, để phát triển các huyện ngoại thành gắn với các trung tâm thứ cấp theo mô hình đô thị tiên phong, các khu vực như khu đô thị Tây Bắc, Cần Giờ phụ thuộc vào tiến độ các dự án kết nối như các tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai và cao tốc.
Khu đô thị cảng Hiệp Phước là khu vực có tiềm năng, lại ở gần trung tâm TP nhưng vẫn rất cần đầu tư hạ tầng kết nối nhanh theo hướng dọc (đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia) và kết nối ngang (vành đai 4) để thu hút đầu tư và các dự án lớn.
Sở QH-KT cho rằng cần tạo cơ hội phát triển bứt phá khu đô thị tiên phong cảng Hiệp Phước để mở đường cho các dự án lớn có thể triển khai sau năm 2030 cùng các dự án chiến lược kết nối nhanh của vùng.
Với huyện Bình Chánh, Sở QH-KT đánh giá cơ hội phát triển đô thị tiên phong khi nhìn vào vị trí cũng như quỹ đất của địa phương này. Tuy nhiên, sở này cho rằng thiếu hệ thống hạ tầng giao thông kết nối nhanh, hệ sinh thái các ngành gia công có giá trị gia tăng thấp hiện vẫn cản trở khả năng vươn lên của khu vực này.
Theo đề án, hiện nay tổng nguồn lực được phân bổ cho đầu tư hạ tầng cho các huyện ngoại thành giai đoạn 2021- 2030 dự kiến là 91.000 tỉ đồng. Cơ hội thu hút đầu tư tư nhân là 110.000 tỉ đồng, tổng cộng là khoảng 200.000 tỉ đồng (8 tỉ USD).
Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư phát triển tại chỗ (chưa tính hạ tầng kết nối nhanh) cho phát triển huyện ngoại thành trong giai đoạn 2021-2030 (dân số tăng thêm 1,4 triệu, cải thiện hạ tầng hiện hữu cho 2,1 triệu người) dự kiến là 10 tỉ USD.
Ý kiến của các địa phương về khu đô thị tiên phong Đánh giá về việc phát triển khu Tây Bình Chánh thành đô thị tiên phong, ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh, cho rằng “rất tốt”. Vì khu vực này hiện là đô thị hiện hữu phát triển. Liên quan đến nguồn lực để phát triển, ông Nam cho biết địa phương vẫn còn thiếu tiêu chí về hạ tầng. Theo đó, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư khoảng 50.000 tỉ đồng. Theo ông Nam, 50.000 tỉ đồng hiện mới chỉ là con số ước tính. Khi cần đầu tư thì có nhiều cách mà không phải ngân sách bỏ ra hết. Chẳng hạn, có thể sử dụng các phương thức đối tác công - tư PPP hoặc huy động các nguồn lực xã hội cho một dự án cụ thể khi triển khai thực hiện. Với khu đô thị tiên phong tại khu đô thị Tây Bắc, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch huyện Củ Chi, cho biết hiện các sở, ngành đang hướng dẫn huyện làm các đề án nhánh của Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM), trong đó có đề án với các tiêu chí về hạ tầng đô thị. Ông Phong cũng cho rằng khó khăn lớn nhất của huyện vẫn là câu chuyện về giao thông như các tỉnh lộ chưa được mở rộng, phát triển đô thị cũng chưa xứng tầm. Một số khu đô thị còn bỏ hoang (như khu Tây Bắc), quy hoạch treo cũng có lý do từ nguồn lực thực hiện chưa có. |