Ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội cho rằng, việc dừng tổ chức sự kiện thương mại quanh Hồ Gươm là điều nên làm. Bởi những hoạt động này gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quanh khu vực Hồ Gươm.
“Với không gian đậm tính lịch sử như Hồ Gươm, tượng đài Lý Thái Tổ, tượng đài vua Lê… lãnh đạo thành phố nên cân nhắc tổ chức các sự kiện lớn về văn hóa, chính trị, ngoại giao. Mọi hoạt động cần có sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ”, ông Trương Minh Tiến bày tỏ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm là phố đi bộ đầu tiên tại Việt Nam nên không tránh được một vài bất cập.
Vì vậy, để phố đi bộ Hoàn Kiếm có thể phát huy, đạt nhiều mục đích từ văn hóa, kinh tế cho đến chính trị, các nhà quản lý cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quản lý để bao quát hết được bất cập của hoạt động phố đi bộ. Ông khẳng định, trong thời gian vừa qua có một số hiện tượng không phù hợp, gây nên dư luận phản đối, nhất là các hoạt động kinh doanh lấn chiếm để ảnh hưởng đến mỹ quan của khu vực phố đi bộ.
“Để khu vực phố đi bộ Hoàn Kiếm thực sự là không gian dành cho người đi bộ, tôn vinh những giá trị văn hóa Thủ đô cũng như cả nước, tôi cho rằng cần sửa quy chế để việc tổ chức các hoạt động ở đây trở nên quy củ và có tác động tích cực với sự phát triển văn hóa Thủ đô”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Để lấy lại không gian ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội cần một quy hoạch, kế hoạch cụ thể dành riêng cho các không gian ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm.
“Khu vực không gian nào thì được tổ chức các hoạt động gì, khu vực không gian nào thì không được tổ chức các hoạt động gì. Trên cơ sở những tiêu chí đã có, các cơ quan quản lý sẽ dễ dàng phê duyệt hoặc không phê duyệt đề nghị tổ chức sự kiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở đây”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Thực tế, Hà Nội không thiếu các tuyến phố đi bộ song chưa thu hút được người dân. Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc tổ chức thiếu kiểm soát, coi nhẹ yếu tố văn hóa. Ông Trương Minh Tiến đề xuất, phân chia các sự kiện văn hóa, giải trí theo từng khu vực, tuyến phố để tạo sự hấp dẫn, bài bản.
“Hà Nội không thiếu các không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân, song cần tổ chức lại chặt chẽ, đảm bảo an ninh, an toàn. Quan trọng nhất, tính văn hóa luôn phải được đề cao”, ông Tiến nêu.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất, ngoài khu vực phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội còn rất nhiều địa điểm để tổ chức các sự kiện, lễ hội. “Thực tế, không nhất thiết hoạt động nào cũng phải đưa ra Hồ Gươm. Chúng ta cần nhận thức lại về việc này”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Ngày 1/11, UBND quận Hoàn Kiếm có văn bản đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bố trí, sắp xếp các hoạt động trên không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, hạn chế các hoạt động có tổ chức gian hàng không phù hợp tại không gian đi bộ Hoàn Kiếm và phụ cận. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đề nghị không tổ chức các giải chạy vào ban đêm để không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân trong khu vực. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được đề nghị hạn chế việc cấp phép các sự kiện có tổ chức biểu diễn âm nhạc với công suất âm thanh lớn tại khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.