Có tới 30% lượng coban của Congo đến từ các mỏ thủ công
Khó ngăn chặn lao động trẻ em
Ở rìa các mỏ lớn, gần 1/4 triệu thợ mỏ nhỏ lẻ (bao gồm cả phụ nữ và trẻ em) lao động để có được một phần nhỏ tài nguyên khoáng sản của Congo. Họ làm việc trong các đường hầm và mỏ lộ thiên được đào thủ công, tiếp xúc với phóng xạ, bị bắt giữ, thậm chí tử vong. Cách nơi Deomba được chôn chừng 500m là một mỏ khai thác coban thủ công lộ thiên có kích thước bằng 2 sân bóng đá và đầy trẻ em. “Congo là một quốc gia giàu có, đầy khoáng sản. Nhưng chính phủ không cung cấp tiền cho các trường học, thậm chí chính quyền địa phương tăng học phí gấp 6 lần nên cha mẹ đưa con cái của họ đến mỏ làm việc” - ông Albert Mutawa, người quản lý khu mỏ nói. Khắp khu vực này, mỏ bé có vài trăm nhân công, mỏ lớn đôi lúc có tới 15.000 thợ mỏ thủ công. Các mỏ lộ thiên đào thủ công có thể cực kỳ nguy hiểm.
Hầu hết các cậu bé làm việc trong mỏ của ông Mutawa đều từ 12 đến 16 tuổi. Chúng không đào đất dưới đáy hố mà được giao nhiệm vụ kéo những bao tải quặng nặng 40kg chất lên xe tải. Ông Mutawa nói, 1.200 bao đất mới chất đầy 1 xe tải và mỗi đội phải chất đầy 2 xe tải/ngày. Điều đó có nghĩa là, mỗi cậu bé sẽ mang khoảng 240 bao tải/ngày để đổi lấy chưa đầy 1 USD tiền công. Sau khi đất quặng được đổ vào xe, những cậu bé nhỏ hơn (chừng 5 - 6 tuổi) đưa những chiếc bao rỗng trở lại hố. Như vậy, bất chấp lệnh cấm của chính phủ đối với trẻ em làm việc trong hầm mỏ, thực tế điều này vẫn diễn ra.
Để xoa dịu những khách hàng lớn mua pin như Apple và Tesla, Chính phủ Congo cam kết sẽ trừng phạt mỏ nào để trẻ em tham gia khai thác. Nhưng mặc dù coban từ mỏ mà ông Mutawa làm việc không được bán trực tiếp cho các công ty như Apple và Tesla, rồi nó cũng tìm đến người tiêu thụ cuối cùng. Bởi ở Kolwezi, nhiều nhà kho được dựng lên để thu mua coban thủ công mà trung gian là thương nhân Trung Quốc. Một khi nguyên liệu này được đưa vào cùng với các mỏ khai thác hợp pháp thì gần như không thể truy được nguồn gốc.
“Chảy máu” nguồn khoáng sản quý hiếm
Coban là kim loại kỳ diệu cho phép pin sạc Lithium-ion tồn tại lâu hơn và cung cấp năng lượng tập trung hơn. Vì thế, trong nỗ lực toàn cầu hướng tới khử carbon, coban là kim loại mà nhu cầu sử dụng luôn tăng chứ không giảm. Bên cạnh đó, Trung Quốc đầu tư vào các mỏ coban lớn tại Congo phù hợp với chính sách “Made in China 2025”, trong đó Bắc Kinh hướng đến trở thành siêu cường trong 10 lĩnh vực sản xuất. Kế hoạch bao gồm việc phát triển khả năng sản xuất pin cho xe điện. Mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu, từ khai thác kim loại đến tự sản xuất pin, vươn lên thống trị kỷ nguyên năng lượng tiếp theo.
Tuy nhiên, cơn sốt khai thác coban đang mở ra một chu kỳ khốn khổ mới cho người dân và sự lạm dụng của các công ty khai mỏ nước ngoài tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Một người Congo từng làm việc cho mỏ của người Trung Quốc ở đây tiết lộ, anh mất hết tinh thần trước bạo lực và sự coi thường mạng sống con người của chủ mỏ. Anh cũng thực sự tức giận vì chính quyền đã chuyển giao nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm của đất nước cho người khác kiếm lợi. “Chúng tôi có quyền làm việc, đây là đất của chúng tôi. Nhưng những người thất nghiệp từ Trung Quốc đang đến đây trong khi người dân địa phương phải chịu đựng tình trạng khoáng sản bị đưa đi mà không có đầu tư trở lại. Trên thực tế, đất nước tôi kém phát triển bởi những gì họ đang chiếm đoạt. Không có ích lợi gì ở đây cả”.