Rất nhiều hình thức tra tấn dã man được chúng áp dụng đối với tù binh.
Tại nhà tù, bọn chúng lập nên nhiều chuồng cọp để nhốt các tù binh ngoài trời.
Giữa năm 1968, phong trào đấu tranh của tù binh lên cao, Mỹ - Nguỵ cho xây dựng các biệt giam 2,4,5,6, trong đó biệt giam B2 khủng khiếp và tàn ác nhất. Các đòn tra tấn có tàn bạo đến đâu vẫn không làm lung lay ý chí của các tù binh cách mạng yêu nước. Dưới ngọn cờ của Đảng, các tù binh tìm cách vượt ngục và tiếp tục chiến đấu.
Đã có rất nhiều cuộc vượt ngục, trong đó phải kể đến cuộc vượt ngục sau 6 tháng ròng rã đào, hình thành đường hầm dài 120m, rộng 60cm, đưa 21 chiến sĩ cách mạng thoát ngục vào sáng 21/1/1969.
50 năm đã trôi qua, thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ quên công lao của những người đi trước. Riêng Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam-Phú Quốc là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ.
Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, nhằm tri ân những anh hùng liệt sỹ đã đấu tranh anh dũng vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, trong đó có những cựu tù binh cộng sản bị địch bắt tù đày ở nhà tù Phú Quốc, ngày 26/3 tới, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” để gặp mặt, tri ân các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc. Thông qua đó góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh hào hùng, anh dũng của các thế hệ cha anh, truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ, vun đắp tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường cho các thế hệ người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nhà tù Phú Quốc - "Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc" được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh: Phương Vũ.